Thế giới

Vì sao tỷ phú Elon Musk bỏ trường Stanford danh giá chỉ sau 2 ngày nhập học?

Tỷ phú Elon Musk vốn nối tiếng là người đưa ra những sự lựa chọn và quyết định kỳ lạ, bao gồm việc ông quyết định bỏ học Đại học Stanford chỉ sau 2 ngày từ năm 1995.

Quyết định bất ngờ  

Sau khi lấy được hai bằng cử nhân, một trong số đó là của Đại học Pennsylvania, tỷ phú Elon Musk đã nhập học Tiến sĩ tại Stanford, theo chương trình vật lý ở tuổi 24. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, ông đã thay đổi quyết định và bỏ học.

Quyết định này của tỷ phú Elon Musk đã khiến nhiều người bất ngờ bởi Stanford vốn là ngôi trường danh giá không phải ai cũng có thể vào học. Tuy nhiên,  Elon Musk khi ấy tin rằng Internet có nhiều tiềm năng tác động đến thế giới hơn là nghiên cứu của ông trong lĩnh vực vật lý. Và ông muốn tận dụng sự bùng nổ của Internet, vậy nên thay vì đi học tại Stanford, ông đã thành lập công ty đầu tiên của mình, có tên Zip2 và bán lại nó với giá 300 triệu USD chỉ 4 năm sau đó.

Tỷ phú Elon Musk không phải người đầu tiên quyết định bỏ học giữa chừng. Những tỷ phú công nghệ khác cũng bỏ học đại học bao gồm Bill Gates, Mark Zuckerberg và Michael Dell.

Các trường đại học có xu hướng tuân theo một cấu trúc cứng nhắc, chủ yếu giảng dạy những gì đã được thực hiện, thay vì khám phá tương lai. Theo đó, nhiều người cho rằng đây là lý do khiến những người khởi nghiệp như Elon Musk phải vật lộn để thích nghi trong sự gò bó của hệ thống giáo dục chính quy, dám tự đổi mới và cuối cùng trở thành tỷ phú bằng cách làm như vậy.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh internet 

Truyền thông nhận định, Elon Musk đã luôn là một người phi thường, đi trước thời đại và tuổi tác của bản thân. Kể về tuổi thơ của Elon Musk, bà Maye Musk – mẹ của vị tỷ phú, cho biết Elon Musk là một đứa trẻ hiểu chuyện sớm và nhanh hơn bạn bè cùng trang lứa. Ông đã tự học cách viết mã code vào năm 9 tuổi và công bố trò chơi đầu tiên của mình vào năm 12. Năm 17 tuổi, ông tham gia một kỳ thi năng khiếu lập trình máy tính cấp đại học và các giám khảo đã bắt ông phải thi lại vì họ chưa bao giờ thấy điểm số cao như vậy.

Sau này, ngay cả khi kiếm được khoản tiền khổng lồ từ việc bán Zip2, Elon Musk vẫn tiếp tục chinh phục thế giới công nghệ bằng nhiều dự án đầy tham vọng. Sau thương vụ Zip2, ông dành phần lớn số tiền kiếm được để thành lập một công ty khác mang tên X.com (sau này là cổng thanh toán PayPal). Doanh nhân này chưa bao giờ ngần ngại đầu tư lượng lớn tài sản để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Năm 2002, khi PayPal IPO với mức định giá 1,5 tỷ USD, Elon Musk lại có thêm nhiều tiền để tham gia vào cuộc chơi mới. Năm 2003, ông thành lập SpaceX, 1 năm sau gia nhập Tesla và nắm giữ vai trò điều hành cho đến nay.

Có thể nói, Elon Musk đã cách mạng hóa ngành công nghiệp xe điện với Tesla cũng như làm nên lịch sử với SpaceX. Ngoài ra, Neuralink - startup về cấy chip vào não người của ông cũng gây chú ý khi tuyên bố có thể đem lại khả năng chữa nhiều bệnh, từ tâm thần đến bại liệt.

Thiên tài lập dị

Giỏi giang nhưng tỷ phú Elon Musk cũng từng gây xôn xao với nhiều hành xử bất thường. Không giống những tỷ phú khác, thường lựa chọn đứng ngoài những cuộc tranh cãi, ông Musk sẵn sàng phản đòn một khi có ai đó muốn tranh luận. Tỷ phú này cũng không ít lần bị kéo vào các vụ kiện tụng và điều tra chỉ vì những phát ngôn trên mạng xã hội. Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) nộp đơn kiện Tesla hôm 15/11/2021 liên quan đến dòng chia sẻ cũ của ông Musk và thỏa thuận vào năm 2014 giữa ngân hàng và hãng xe điện.

Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng JPMorgan Chase mua chứng quyền của Tesla vào năm 2014 và chứng quyền hết hạn vào tháng 6/2021.

Vào thời điểm năm 2018, sau khi tỷ phú Musk đăng nội dung xem xét chuyển nhượng lại Tesla, JPMorgan Chase đã hạ giá thực tế chứng quyền của hãng sản xuất xe điện này. Vài tuần sau đó, ông Musk bỏ ý tưởng chuyển nhượng công ty trong một dòng trạng thái khác, Ngân hàng JPMorgan Chase đã vội vàng tăng lại giá chứng quyền. Giá cổ phiếu của Tesla đã tăng xấp xỉ 10 lần vào thời điểm chứng quyền hết hạn.

Theo đài CNN, JPMorgan Chase lập luận họ có quyền thay đổi giá thực tế theo hợp đồng đã ký nhưng Tesla không chấp nhận những lần điều chỉnh của ngân hàng này, dẫn đến việc JPMorgan Chase nộp đơn kiện đòi công ty thanh toán số tiền còn thiếu khoảng 162,2 triệu USD.

Cách hành xử khác thường của ông Musk còn được thể hiện trong quyết định bán căn nhà cuối cùng mà ông sở hữu và đi ở nhà thuê. Với động thái này, ông Musk trở thành "tỷ phú không nhà" đúng như tuyên bố ông từng đưa ra trên Twitter vào tháng 5/2020.

Có thể nói, ông Musk đại diện cho một thế hệ tỉ phú mới của thế giới, những người giàu lên với tốc độ nhanh chóng nhưng không phải trong những lĩnh vực kinh doanh truyền thống như bất động sản, đầu tư cổ phiếu hay sản xuất mà là khai phá những lĩnh vực của tương lai.

Minh Hạnh (T/h)