Đời sống

Vì sao trước khi tiêm vắc xin thường bị tăng huyết áp?

Trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhiều người huyết áp cao đột ngột dù trước đó chưa từng bị tăng huyết áp. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục là gì?

Nguyên nhân trước khi tiêm vắc xin thường bị tăng huyết áp

Báo Thanh Niên dẫn nguồn tờ Gulf News, tiến sĩ Dirar Abdallah, Chủ tịch Y khoa và tư vấn nội khoa tại Bệnh viện Prime (UAE), cho biết: “Tăng huyết áp áo choàng trắng là tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao ngay khi bệnh nhân vào cơ sở y tế và nhìn thấy bác sĩ hoặc y tá mặc áo blouse trắng”. Trong khi đó, huyết áp của họ luôn bình thường khi ở nhà.

Đo huyết áp trước khi tiêm vaccine COVID-19 ở Hà Nội. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

Cũng theo Tiến sĩ Abdallah, triệu chứng chính của hội chứng này là huyết áp tăng đột ngột. Nhiều trường hợp có các triệu chứng tim mạch khác kèm theo như khó thở, nhịp tim tăng lên mỗi phút, hồi hộp, khô họng, lú lẫn và thậm chí ngất xỉu. Lo ngại về bệnh tật, sợ hãi vì phải uống thuốc, nghi ngờ về mức độ an toàn của vắc xin... tạo nên phản ứng lo lắng. Những điều này kích hoạt chất dẫn truyền thần kinh giải phóng hormone adrenaline hoặc epinephrine làm tăng nhịp tim, tăng lượng máu bơm từ tim, tăng huyết áp và tăng lượng đường trong máu để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể.

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trước khi tiêm vắc xin, mọi người dân đều được kiểm tra huyết áp, nhiệt độ và được bác sĩ thăm khám.

Tuy nhiên, không ít người dù ở nhà đo huyết áp bình thường nhưng khi tới điểm tiêm, được bác sĩ thăm khám, huyết áp lại "tăng vù vù". Hiện tượng tăng huyết áp khi đi tiêm gặp ở nhiều người bất kể già trẻ, giới tính. CDC Hà Nội gọi đây là hội chứng "tăng huyết áp áo choàng trắng". 

Cần làm gì khi đi tiêm vắc xin không bị tăng huyết áp đột biến

Hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng” do tâm lý, vì thế có thể luyện tập để thay đổi được. Ảnh minh họa.

Để hạn chế hội chứng "tăng huyết áp áo choàng trắng", CDC Hà Nội đưa ra những khuyến cáo với người dân như sau:

Làm chủ tâm lý để không bị sợ hãi khi gặp bác sĩ là điều quan trọng đối với những người mắc hội chứng này.

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích, giảm muối trong chế độ ăn.

Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, điều độ để tăng cường sức khỏe tim mạch….

Áp dụng phương pháp thư giãn như yoga để kiểm soát tâm lý, nhịp thở. Giúp bạn giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống công việc.

Đi khám cùng người thân hay bạn bè, để tạo cảm giác đồng hành, tránh sợ hãi khi đi một mình gặp bác sĩ.

Kiểm soát cân nặng, lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể. Giảm cân sẽ giúp huyết áp ổn định hơn, cơ thể thoải mái hơn vì không quá trọng tải.

Trúc Chi (tổng hợp)