Tiêu điểm thế giới

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết định "om" S-400 của Nga đủ 10 tháng mới chịu lắp đặt?

Với tuyên bố chỉ bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng không S-400 vào tháng 4/2020, quyết định của Tổng thống Erdogan đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn.

 

Giới lãnh đạo chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực quản lý căng thẳng liên quan đến thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400, giữa bối cảnh nước này đang phát triển mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga, trong khi Mỹ liên tục đưa ra những lời đe dọa sắt đá hơn.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết, các máy bay chở hàng của Nga đã hạ cánh ở nước này để giao các bộ phận đầu tiên của S-400, đồng thời nhấn mạnh chúng sẽ được “lắp đặt vào tháng 4/2020”.

Điều này đã khiến giới quan sát đặt ra các câu hỏi về việc tại sao Thổ Nhĩ Kỳ phải mất quá nhiều thời gian để phân phối và triển khai hệ thống như vậy?

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã có hai bệ phóng, một cần trục và các phương tiện khác được triển khai cùng với các lô hàng từ máy bay Nga. Hệ thống còn lại bao gồm radar và đầu đạn sẽ yêu cầu kíp vận hành phải được đào tạo để sử dụng.

Tuy nhiên, các nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã có mặt ở Nga từ cuối tháng 5 để tìm hiểu về hệ thống này.

Theo Jerusalem Post, lý do Thổ Nhĩ Kỳ phải mất nhiều thời gian triển khai như vậy có thể không phải chỉ đơn thuần đây là một hệ thống phòng không phức tạp.

Giới phân tích cho rằng, ngay từ đầu mục tiêu mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ không phải vì nước này lo ngại bị tấn công từ trên không. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO và có hợp tác chặt chẽ với Nga, vì vậy tất cả các cường quốc không quân có thể đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ đều là đối tác của Ankara

Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẽ không đưa S-400 đến sát khu vực miền Bắc Syria như một cách để ngăn chặn quân đội Syria tiến gần các khu vực mà nước này kiểm soát tại đây. Như vậy, Ankara cũng không cần phải vội vàng trong việc triển khai hệ thống của Nga.

Tờ Jerusalem Post cho rằng, lý do ở đây thực tế hơn. Về cơ bản, quá trình mua hàng kéo dài suốt từ năm 2017 - và cho đến nay tiếp tục trì hoãn triển khai thêm 10 tháng nữa - có thể là suy tính có chủ ý của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ứng phó trước sự đe dọa của Mỹ.

S-400 được đánh giá là hệ thống phòng không toàn diện nhất hiện nay.

Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng Washington muốn trừng phạt họ về việc mua hệ thống của Nga. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn phải đón nhận các lệnh trừng phạt này hoặc bị đẩy ra khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35.

Mỹ đã từng bước làm suy giảm vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 bằng cách nhắm mục tiêu trừng phạt vào các nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang đào tạo ở Mỹ.

Đây là những gì Mỹ gọi là lời cảnh báo để Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại dần dần quyết định của mình. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn 10 tháng nữa mới triển khai S-400 có thể là “chiêu bài” sẽ tạo ra một khoảng thời gian thư giãn cho hai bên đàm phán.

Giai đoạn đầu tiên là từ năm 2017 đến tháng 7/2019 khi lô hàng S-400 đầu tiên xuất hiện. Bây giờ đến giai đoạn tiền triển khai và sau đó có thể là giai đoạn hoạt động.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục duy trì chiến lược trì hoãn này cho đến cuộc bầu cử tiếp theo của Mỹ, khi đó họ hy vọng sẽ có nhiều đòn bẩy hơn.

Ở khía cạnh rộng hơn, Ankara còn đang tính toán đến những bước đi ở Syria, lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại khi rút quân. Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập khu vực an toàn và họ hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ người Kurd để tham gia cùng với nước này ở Syria.

Viết trên National Interest, cây bút Michael Rubin nói rằng, Mỹ đang cố gắng xoa dịu những ý kiến phản bác khi thảo luận về một khu vực an toàn với Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria.

S-400 là một phần trong đòn bẩy chính sách của Ankara, kết hợp vai trò quân sự ở miền Bắc Syria, quan hệ năng lượng ngày càng chặt chẽ hơn với Nga và lời đe dọa trừng phạt S-400 của Mỹ.

Đồng hồ đang đếm ngược đến tháng 4/2020 và đây là thời gian để Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết toàn bộ những vấn đề bế tắc của mình.