Sự kiện

Vì sao số ca mắc Covid-19 do biến thể BA.4 và BA.5 tiếp tục tăng tại Mỹ?

Ngày 14/6, CDC Mỹ cho biết, tính đến ngày 11/6, có tới hơn 21% số ca mắc Covid-19 tại nước này do nhiễm hai dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5.

Số ca mắc Covid-19 do biến thể BA.4 và BA.5 tiếp tục tăng tại Mỹ

Tiến sỹ Gregory Poland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc-xin của phòng khám Mayo ở Rochester, bang Minnesota, Mỹ cho biết, ông đang quan ngại về sự lây lan của các dòng phụ này.

Theo ông, dữ liệu từ Nam Phi cho thấy, các dòng phụ có khả năng phá vỡ khả năng miễn dịch, có được nhờ việc tiêm vắc-xin hoặc do các lần lây nhiễm trước đó.

Tiến sỹ Poland nhấn mạnh, việc tiêm vắc-xin hoặc lây nhiễm trước đó có thể cung cấp sự bảo vệ chống lại nguy cơ tử vong hoặc bị bệnh nặng, song với khả năng "né tránh miễn dịch," BA.4 và BA.5 có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm trong mùa Hè, khi trẻ em quay trở lại trường học và hiệu quả bảo vệ của mũi tăng cường vắc-xin thứ 2 giảm đi.

Đặc biệt hai dòng phụ có khả năng lây lan cao này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách theo dõi hồi tháng 3 và được coi là biến thể đáng quan ngại ở châu Âu.

Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu cho biết, các dòng phụ mới này đang lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác, có thể dẫn tới số ca nhập viện và tử vong cao hơn nếu trở thành các biến thể chủ đạo trong khu vực.

Cũng theo CDC Mỹ, số ca mắc mới Covid-19 trong vòng 7 ngày (tính đến ngày 11/6) tại Mỹ là 105.615 ca, tăng 6,7% so với một tuần trước đó.

Không chỉ ở riêng Mỹ, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu cũng khẳng định với diễn tiến dịch bệnh hiện nay, BA.4 và BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Trước đó, ngày 13/6, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng khắp Liên minh châu Âu (EU) trong vài tuần tới.

Theo ECDC, mặc dù ở thời điểm hiện tại, phần lớn các nước EU đều ghi nhận tỉ lệ ca mắc 2 biến thể này ở mức thấp, song cũng có nước như Bồ Đào Nha ghi nhận số ca mắc 2 biến thể này tăng vọt.

Điều quan trọng là mặc dù 2 biến thể phụ này không khiến người nhiễm gặp phải biến chứng nặng do Covid-19, song vẫn có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế.

ECDC khẳng định, với diễn tiến dịch bệnh hiện nay, BA.4 và BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước EU.

Ảnh minh họa.

WHO kêu gọi các quốc gia tăng tỉ lệ tiêm chủng

Theo TTXVN, trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết, tỉ lệ dân số có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021.

Theo WHO, hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỉ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.

Mặc dù vắc-xin chỉ có tác dụng phòng ngừa ở mức vừa phải đối với biến thể Omicron, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tăng tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi miễn dịch nhờ tiêm vắc-xin có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng cao hơn so với miễn dịch có được sau lần mắc trước đó.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy những người vừa mắc Covid-19 vừa được tiêm chủng có khả năng phòng ngừa tốt nhất đối với nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng, mặc dù vẫn chưa rõ kết quả này có đúng đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2 hay không.

Dữ liệu cho thấy, lượng kháng thể Covid-19 ở trẻ em từ 9 tuổi trở xuống và những người trên 60 tuổi thấp hơn so với những người ở độ tuổi 20. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn trường hợp có kháng thể là do đã từng mắc Covid-19 hơn là nhờ tiêm chủng.

WHO cho biết, lượng kháng thể thường giảm dần theo thời gian và mức độ cũng như khả năng tồn tại của miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy, cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác định khả năng phòng ngừa giảm như thế nào.

Bộ Y tế Việt Nam chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch

Theo Bộ Y tế, SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện, Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 và có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Trước những biến thể khó lường, Bộ Y tế nhấn mạnh tiếp tục coi vắc-xin là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tiêm vắc-xin mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ phân bổ vắc-xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.

Bộ sẽ từng bước tự chủ về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế để chuẩn bị cho mọi tình huống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro, nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em…); tiếp tục rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023.

Trúc Chi (t/h theo Vietnamplus, Chính Phủ)