Góc nhìn luật gia

Vì sao phiên tòa xử bác sĩ hiếp dâm, hành hung nữ điều dưỡng phải hoãn khi vắng nhân chứng?

Theo luật sư Minh, thời hạn hoãn phiên tòa trong mọi trường hợp là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định. Việc quy định thời hạn hoãn phiên tòa là để đảm bảo cho việc xét xử vụ án không kéo dài, ảnh hưởng đến tư tưởng người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị cáo.

Ngày 8/9, TAND TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Quang Huy Phương với 3 tội danh Hiếp dâm, Cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật.

Bị cáo Lê Quang Huy Phương tại phiên tòa.

Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, đại diện VKSND TP.Huế đã đề nghị HĐXX hoãn phiên toà do vắng 11 nhân chứng và các giám định viên, trong đó có giám định viên của viện Khoa học hình sự bộ Công an.

Nhằm làm rõ nguyên nhân vì sao phiên tòa tạm hoãn do vắng các nhân chứng và giám định viên, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc công ty luật An Doanh, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, HĐXX hoãn phiên tòa xét xử khi thuộc một trong các trường hợp có một trong những căn cứ quy định tại các Điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này.

Theo luật sư Minh, tòa có quyền hoãn xét xử khi cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa, cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại, cần định giá tài sản, định giá lại tài sản. Trong trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án sẽ phải được xét xử lại từ đầu.

Lực lượng chức năng áp giải Lê Quang Huy Phương vào phòng xử án.

"Thời hạn hoãn phiên tòa trong mọi trường hợp là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định. Việc điều luật quy định thời hạn hoãn phiên tòa cố định là đảm bảo cho việc xét xử vụ án không kéo dài, ảnh hưởng đến tư tưởng người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị cáo. Nếu không có gì trở ngại thì tòa án vẫn có thể mở phiên tòa trước khi hết thời hạn đó", luật sư Minh nhấn mạnh.

Luật sư Minh phân tích thêm, theo Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người làm chứng, người giám định có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

Do đó, việc hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử dù vắng mặt nhân chứng và người giám định sau khi hoãn lần thứ nhất sẽ do HĐXX quyết định, nếu xét thấy việc vắng mặt của những người này không làm ảnh hưởng đến vụ án.

Theo cáo trạng, bị cáo Lê Quang Huy Phương (SN 1983), trú tại 155 Phạm Văn Đồng, phường Vĩ Dạ, TP.Huế và chị D.T.T.T (SN 1996), trú tại TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế là đồng nghiệp cùng công tác tại đơn vị chăm sóc da, khoa Da liễu, bệnh viện Trung ương Huế. Trước khi xảy ra vụ án, 2 người không có mâu thuẫn gì với nhau.

Khoảng 10h30 ngày 17/9/2019, Phương liên hệ với đồng nghiệp để yêu cầu chị T. mang 1 liều thuốc làm đẹp đến phòng 203 nhà B khu tập thể chung cư Đống Đa, phường Phú Nhuận, TP.Huế cho Phương. Khi chị T. mang thuốc đến thì Phương mở phòng cho chị T. vào và sau đó chốt cửa lại.

Tại đây, Phương đã có hành vi bắt giữ, dùng vũ lực, đánh đập chị T. gây nhiều thương tích nhằm hiếp dâm. Sau một thời gian chống cự, lợi dụng lúc Phương mất cảnh giác, chị T. đã mở cửa bỏ chạy ra bên ngoài. Sau khi thoát thân, chị T. được người thân đưa đến bệnh viện để cấp cứu. 

Cáo trạng xác định, hành vi của Phương đã phạm vào tội Hiếp dâm quy định tại khoản 1, Điều 141, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Phương còn phạm tội Cố ý gây thương tích được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 134, Bộ luật Hình sự và tội Bắt giữ người trái pháp luật theo khoản 1, Điều 157, Bộ luật Hình sự.