Sự kiện

Vì sao nông dân miền Tây ồ ạt bán đất mặt ruộng?

Cho rằng diện tích đất trồng lúa bị gò cao, khó dẫn nước vào ruộng đồng khiến thất mùa nên nhiều hộ nông dân ở tỉnh Vĩnh Long đã gọi người đến bán đất mặt ruộng.

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân, trên một số cánh đồng thuộc các xã Phú Đức, Long An (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), nhiều hộ dân lại ồ ạt bán đất mặt ruộng.

Xe cơ giới xuất hiện trên cánh đồng để khai thác đất mặt ruộng. (Ảnh: Thanh Lâm).

Ngày 14/3, ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại một số cánh đồng ở các xã nêu trên, cảnh mua bán đất mặt ruộng diễn ra khá tấp nập. Nhiều xe cuốc, xe công nông, ô tô tải chuyên chở đất được điều đến.  

Là một trong những nông dân bán đất mặt ruộng, anh Nguyễn Văn Tòng (ngụ xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cho biết, gia đình anh canh tác hơn 3 công ruộng (1 công = 1.000 mét vuông) trồng lúa. Cứ sau vài mùa vụ thu hoạch lúa là diện tích đất ruộng lại xuất hiện đất gò cao hơn bình thường nên không thể dẫn nước vào ruộng đồng được khiến thất mùa.

Theo nông dân, việc bán đất mặt ruộng là để “giải phóng” vùng đất gò cao để dễ dẫn nước vào đồng ruộng. (Ảnh: Thanh Lâm).

Từ đó, mỗi khi xuất hiện đất gò cao là nông dân trong vùng liền gọi người có nhu cầu đến bán đất mặt ruộng nên dần thành thói quen. Theo nông dân Hoàng, mỗi công đất gò bán cho người mua với giá dao động từ 700.000 đến 800.000 đồng. Tuy nhiên, người mua chỉ được khai thác, đào lớp đất mặt ruộng với độ sâu khoảng 10cm. Theo thỏa thuận, người mua đất mặt ruộng tự điều xe cuốc đến rồi thuê người xúc đất vào bao đưa lên xe công nông chở đi.

Ông Trần Ngọc Hậu (ngụ huyện Long Hồ), người mua bán đất mặt ruộng cho biết, năm nay, anh mua khoảng chục công ruộng đất gò của nông dân trong vùng để bán lại cho người có nhu cầu.

Một người dân có nhu cầu mua đất mặt ruộng để đổ vào khu đất trũng thấp đang trồng dừa. (Ảnh: Thanh Lâm).

“Sau khi mua xong, tôi thuê người xúc đất rồi cho xe ô tô chuyên chở đất vận chuyển đến tận nơi người có nhu cầu. Giá trung bình mỗi chuyến xe từ 450.000 – 500.000 đồng cho 5 mét khối đất, tùy theo quãng đường xa gần. Trừ các khoản chi phí như nhân công, xăng dầu thì mỗi ngày tôi có lãi chừng 1 triệu đồng. Riêng các nhân công xúc đất cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày”, anh Hậu nói.

Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ, tầng đất canh tác của đất lúa dày khoảng 3-4cm, nếu người nông dân bán đi lớp đất mặt này, thì các mùa vụ sau khi nông dân bón phân vào sẽ không giữ được dinh dưỡng trong đất và nước cho cây vì bị ngấm xuống sâu. Để tái tạo lớp đất mặt như cũ phải mất nhiều năm mới có thể tạo nên lớp phù sa dinh dưỡng cho lúa. Việc lấy lớp đất mặt sẽ làm cho các vụ lúa sau không đạt năng suất cao nên nông dân cần lưu ý.