Giáo dục

Vì sao nhiều thí sinh điểm cao lại "ngược dòng" từ chối học đại học?

Mặc dù điểm thi tốt nghiệp THPT cao, tuy nhiên hàng trăm thí sinh đã quyết định không xét tuyển đại học mà chuyển hướng học trường cao đẳng hoặc học nghề.

Đạt điểm cao nhưng "ngược dòng" không vào đại học

Trong hơn 320.000 thí sinh không xét tuyển đại học năm nay, rất nhiều bạn trẻ đã chủ động chọn học các trường nghề (cao đẳng, trung cấp) thay vì xem đại học là "con đường duy nhất".

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khoảng 320.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay. Con số này chiếm gần một phần ba tổng số đã đăng ký. Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, trong đó có việc thí sinh chuyển hướng học nghề.

Điển hình như em Phạm Trung Hiếu ở Phú Thọ đạt 27 điểm tổ hợp C00, bỏ xét tuyển đại học, nộp hồ sơ vào trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và đã đi học được hơn một tuần.

Cụ thể, Trung Hiếu đạt điểm 5/6 môn thi tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên, cụ thể Toán 8,2; Ngữ văn 9; Lịch sử 10; Địa lý 8; Giáo dục công dân 9,5; riêng Tiếng Anh đạt 6,2. Tính theo tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa), nam sinh đạt 27 điểm. Còn nếu xét tổ hợp D01 (Toán - Văn - Anh), em cũng đạt 23,4. Với mức này, Hiếu có thể đỗ nhiều đại học lớn ở Hà Nội.

Tuy nhiên ngay khi hoàn thành kỳ thi và áng chừng điểm của mình, Hiếu bắt đầu tìm thông tin một số ngành như Luật, Sư phạm, Truyền thông để xem phù hợp với ngành nào. Nhưng càng tìm hiểu, em càng mông lung về bốn năm đại học. Em không mường tượng được ra trường làm gì, cơ hội việc làm và khả năng cạnh tranh ra sao. Bố mẹ làm công nhân, Hiếu cũng nghĩ đến chi phí học tập. "Nếu trúng tuyển đại học và ở trọ tại Hà Nội, tiền học phí và sinh hoạt phí một năm có thể lên tới vài chục đến cả trăm triệu đồng", Hiếu nói.

Nam sinh này quay sang tìm hiểu các trường cao đẳng trong tỉnh bởi vẫn nghe học cao đẳng biết nghề nhanh, thời gian học ngắn và chi phí rẻ hơn nhiều so với đại học. Tìm đọc đến ngành Điều dưỡng của trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, Hiếu thấy phù hợp. Hỏi thêm về cách thức học tập và việc làm sau khi ra trường của anh chị đi trước, nam sinh quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này mà không đăng ký nguyện vọng đại học.

Với tổng điểm học bạ ở bậc THPT ba môn Toán - Hoá - Sinh (tổ hợp B00) 23,2, Hiếu nhận được giấy báo trúng tuyển sau hơn một tuần nộp hồ sơ.

"Thời gian học Điều dưỡng hệ cao đẳng chỉ ba năm, học phí theo quy định của nhà nước, cơ hội việc làm khá rõ ràng", Hiếu nói. Như với trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, học phí hiện 5,7 triệu đồng một học kỳ. Nhà trường hợp tác với nhiều công ty đào tạo tiếng miễn phí cho sinh viên để các em có cơ hội học tập và làm việc tại các nước như Nhật, Đức, Hàn Quốc sau tốt nghiệp.

Ngoài Hiếu, nhiều thí sinh đạt điểm cao khác cũng lựa chọn như vậy.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đăng ký tuyển dụng trong ngày hội việc làm của trường mới đây.

Tương tự, Bùi Chí Hào quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, một thí sinh đạt điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Tp.HCM 915 điểm. Thế nhưng Hào đã quyết định nhập học ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

Chia sẻ với báo chí, Hào cho biết: "Em cũng đăng ký nguyện vọng vào các ngành tự động hóa và nhiệt lạnh của Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM. Với mức điểm thi đánh giá năng lực này cộng với điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ cao, em tự tin là mình sẽ đậu nhưng quyết định chọn học cao đẳng, không đợi kết quả đại học nữa. Lý do là ba mẹ định hướng cho em học cao đẳng từ đầu vì chỉ học 3 năm là có thể ra đi làm, chi phí học cũng thấp. Em tìm hiểu và nhận thấy học cao đẳng được thực hành nâng cao tay nghề nhiều nên cũng thích".

Trong khi đó, Thái Quang Lộc, Đồng Phú, Bình Phước thi tốt nghiệp THPT được 26,1 điểm, là thủ khoa ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cũng từ chối xét tuyển đại học.

"Gia đình em không quá khó khăn nhưng nếu học đại học thì thời gian lâu hơn, học phí cao hơn nên em lo ba mẹ sẽ nặng gánh tài chính, phải vất vả xoay xở. Em tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ, thấy nhiều người không học đại học nhưng ra đời chịu khó học hỏi vẫn thành công. Học cao đẳng ngày nay rất dễ tìm việc, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô em chọn cũng đang hot, nên em rất an tâm", Lộc bày tỏ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Nguyễn Thị Kim Liên ở huyện Tánh Linh, Bình Thuận cũng có điểm thi cao (25,55) nhưng em lại quyết định chọn học ngành logistics của Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại và trở thành thủ khoa của trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Còn Trương Thị Lệ Tâm đạt 28,63 điểm học bạ, trở thành thủ khoa của Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại ở phương thức xét tuyển học bạ.

"Nhà em có 3 chị em đang đi học, ba mẹ lại làm nông nên em chọn học CĐ để học phí rẻ hơn, lại nhanh tốt nghiệp đi làm", Kim Liên chia sẻ. Lệ Tâm thì ngay từ đầu xác định học ngành kinh doanh xuất nhập khẩu hệ cao đẳng mà không xét tuyển vào bất kỳ trường đại học nào vì kinh tế gia đình và muốn đi làm sớm.

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, đơn vị quản lý các trường cao đẳng, trung cấp, đến hết tháng 8/2022, các trường tuyển được 162.343 sinh viên (bằng 43,3% mức tuyển của cả năm ngoái). Trong đó, hệ cao đẳng 75.362 sinh viên, trung cấp 86.981

Chọn lối đi phù hợp với điều kiện bản thân và dễ kiếm việc làm 

TS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho rằng việc ngày càng nhiều thí sinh nhận ra được những giá trị riêng của hệ cao đẳng, trung cấp là một tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực của giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua. Sự chuyển biến này có sự "góp sức" không nhỏ của dịch Covid-19.

Theo ông Hải, sau giai đoạn cao điểm dịch bệnh, nhận thức của người dân ở nhiều nơi, không chỉ ở trong nước, đã thay đổi rất nhiều. Không ít bạn trẻ có xu hướng thích "tự lập" nhanh chóng về chuyện nghề nghiệp, để sớm tham gia thị trường lao động, từ đó tự chủ được cuộc sống của mình và có khả năng chống chịu trước các bất trắc như đại dịch.

Ông Hải cho rằng xét về mặt vĩ mô, việc thực hiện chương trình phổ thông mới cho lớp 10 từ năm 2022 - 2023 và việc phân luồng cho học sinh theo học hệ giáo dục nghề nghiệp nhìn chung có những "mẫu số chung". Đó là chuyện hướng học sinh tới những con đường sẽ "vào đời" khác nhau nhưng thích hợp nhất với thiên hướng và năng lực của mỗi bạn trẻ.

Vị TS này còn cho biết thêm hiện tại Chính phủ đang tạo nhiều điều kiện cho những bạn học nghề sau THCS.

Cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát đi kết luận của Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, theo hướng vừa đẩy mạnh phân luồng, vừa đảm bảo chuyện học nghề và học văn hóa ngay tại cơ sở của các em.

"Đây cũng là một trong nhiều hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tiếp cận trong thời gian tới" - ông Hải nói.

Bên cạnh đó, ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng theo quan sát, hiện tại nhiều gia đình vẫn chưa thật sự hồi phục kinh tế hoàn toàn sau đại dịch, chưa kể thêm những biến động về giá cả trên thị trường. Vì vậy, trong những chuyến tư vấn tuyển sinh, cô Xuân nhận thấy nhiều thí sinh cảm nhận được trách nhiệm của mình với gia đình.

"Trách nhiệm" ở đây không hẳn là chọn trường có học phí rẻ, mà là chọn trường đúng với mục đích năng lực, định hướng của bản thân để ra trường dễ kiếm việc làm và giúp đỡ lại cho gia đình. Tâm lý học gì cũng được, miễn là "có tiếng" học đại học, đã có chiều hướng giảm nhiều.

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: "Hàng năm tại trường có hàng trăm thí sinh điểm rất cao ở các phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. Với mức điểm thi 25, 26 các em hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường đại học tốt, nhưng các em đã quyết định chỉ xét tuyển vào cao đẳng".

Tiến sĩ Kha lý giải thêm: "Sở dĩ như vậy vì thí sinh và phụ huynh tin tưởng vào sự thành công cũng như triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng hệ thống giáo dục nghề nghiệp được nâng cao trong thời gian qua, nhiều trường đã kiểm định trong nước và quốc tế, được doanh nghiệp đánh giá cao. Do đó, sinh viên khi tốt nghiệp có việc làm ngay đúng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các em cũng dễ dàng học liên thông đại học nếu muốn".

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng trường này, thông tin năm nay có 977 tân sinh viên có mức điểm thi tốt nghiệp THPT từ 20 trở lên, chiếm khoảng 28% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi và 1.700 em có điểm học bạ từ 22 trở lên, chiếm 48,57% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm học bạ. Được biết, tổng chỉ tiêu của trường ở 2 phương thức này là 3.500.

Trường Cao đẳng Công thương Tp.HCM cũng có hàng trăm thí sinh điểm cao. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng Đào tạo trường này, chia sẻ: "Thí sinh chọn được ngành mình yêu thích và môi trường học tập, sinh hoạt phù hợp với bản thân. Ngoài ra, học cao đẳng sẽ tốt nghiệp sớm hơn, dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp".

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 17h ngày 20/8, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 là 941.760 em. Tuy nhiên, chỉ có 616.044 thí sinh nhập nguyện vọng xét tuyển. Tổng số nguyện vọng là 3.094.572. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5,02 nguyện vọng.

Như vậy, có đến 325.716 em không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Các thí sinh này đã mất quyền đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2022.

Trúc Chi (theo Vnexpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vnews)