Đời sống

Vì sao ngày càng nhiều đàn ông Nhật Bản thích đi tiểu ngồi?

Theo khảo sát của các hãng sản xuất thiết bị vệ sinh, xu hướng đi tiểu ngồi đang ngày càng phổ biến ở nam giới Nhật Bản. Vậy điều gì dẫn đến xu hướng này?

Nhật Bản là quốc gia có hệ thống nhà vệ sinh tiên tiến bậc nhất thế giới. Các nhà sản xuất nước này luôn cạnh tranh nhau để mang đến những thiết bị vệ sinh với tính năng tốt nhất. Nhằm tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, các hãng sản xuất bồn cầu cũng thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát liên quan đến nhu cầu tế nhị.

Kết quả cho thấy xu hướng đi tiểu ngồi ngày càng phổ biến ở nam giới Nhật Bản, đến mức có một thuật ngữ dành riêng cho những người này là "suwari-shon", ghép từ hai chữ "suwari" có nghĩa là "ngồi" và "shonben" có nghĩa là "nước tiểu".

Xu hướng suwari-shon được phát hiện từ cuối những năm 1990 và dần trở nên phổ biến. Năm 2007, các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 40% nam giới Nhật thừa nhận là suwari-shon, phổ biến ở độ tuổi 25-35.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 6/2021 do nhà sản xuất đồ vệ sinh cá nhân Nhật Bản Lion Corp thực hiện cho thấy 60,9% đàn ông Nhật Bản thích tiểu tiện ngồi. Trong số 1.500 người được hỏi ở độ tuổi 20 đến 60, chỉ có 2,7% suwari-shon là người trên 60 tuổi, trong khi 25,7% là người ngoài 20.

Trong số những người đàn ông thích đi tiểu ngồi, 49% người được hỏi cho biết họ đã chuyển từ tư thế đứng sang ngồi, trong khi 11,9% cho biết họ có thói quen này từ nhỏ.

Miếng dán trên nắp bồn cầu hướng dẫn đàn ông: “Làm ơn ngồi xuống để đi tiểu!”.

Lý do phổ biến nhất với những người quyết định chuyển tư thế là liên quan đến yếu tố vệ sinh. Khoảng 37,3% nói rằng họ đã tận mắt chứng kiến việc nước tiểu bị bắn ra xung quanh; 27,9% ngại để người khác dọn bồn cầu vì mình làm mất vệ sinh; 19,3% không biết cho tới khi họ tự dọn dẹp nhà vệ sinh; và 16,6% được người khác nói cho biết.

Tomoyuki Isowa, chủ doanh nghiệp 53 tuổi ở Nagakute, tỉnh Aichi, gần đây đã bắt đầu chuyển sang tiểu ngồi. Sự thay đổi xảy ra sau khi con trai yêu cầu ông ngồi để đi tiểu khi đến thăm nhà. Sau đó, ông bị thuyết phục bởi các chương trình truyền hình về những thói xấu của đàn ông, trong đó có thói quen đứng khi đi tiểu.

“Tôi cũng rất quan tâm đến vợ mình, người luôn làm công việc dọn dẹp. Và tôi học được rằng ngồi xuống và thả lỏng bản thân giúp tôi thư giãn hơn là đứng”, Isowa nói.

Một số cuộc khảo sát cũng cho thấy, các bà mẹ và vợ khuyến khích đàn ông trong nhà ngồi tiểu để tránh phải vệ sinh bồn cầu bằng chất tẩy rửa một cách không cần thiết. Một số công ty cũng dán nhắc nhở, khuyến khích đàn ông ngồi tiểu.

Nhà phân tích tiếp thị Yohei Harada cho biết, việc phụ huynh nâng cao nhận thức về thực hành vệ sinh tốt có ảnh hưởng đến các bé trai ngay từ nhỏ. "Thế hệ trẻ có mối quan hệ tốt với cha mẹ. Vì vậy chúng sẽ lắng nghe nếu được yêu cầu giữ nhà vệ sinh sạch sẽ", ông Harada nói.

Tuy nhiên, những người ủng hộ đi tiểu đứng cho rằng tư thế ngồi sẽ gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, góp phần hình thành sỏi thận hay các bệnh đường tiết niệu. Dẫu vậy, nhiều nam giới Nhật Bản vẫn tin rằng "ngồi sẽ tốt hơn".

Bên cạnh đó, những người trẻ có thể thoải mái sử dụng điện thoại ở tư thế ngồi nên số lượng người suwari-shon sẽ còn tăng lên trong những năm tới.

Minh Hoa (t/h)