Tiêu điểm thế giới

Vì sao Nga giữ "cái đầu lạnh", không ủng hộ bên nào trong cuộc đối đầu ở Libya?

Cách tiếp cận của Nga là “không đặt cược vào bất kỳ một bên nào”. Trên thực tế, chiến lược của Nga dường như chỉ nhằm mục đích giữ cho mình có liên quan đến tình hình Libya.

Cuộc đối đầu giữa LNA và GNA đã bắt đầu từ đầu tháng 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã khiến Nga trở thành tâm điểm chú ý tại Libya khi lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh và sau đó thảo luận về Libya với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan qua điện thoại.

Thủ tướng Conte cho biết, ông đã đề xuất đối tác Nga để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc ở Libya.

Theo Al-Monitor, chiến lược của Nga đối với Libya thực sự có vẻ khó hiểu đối với các nhà quan sát, với sự liên tục biến đổi giữa các bên xung đột, mà theo lời của Ngoại trưởng Sergey Lavrov - cách tiếp cận của Nga là “không đặt cược vào bất kỳ một bên nào”.

Trên thực tế, chiến lược của Nga dường như chỉ nhằm mục đích giữ cho mình có liên quan đến tình hình Libya.

Không giống như các cường quốc nước ngoài khác đã thiết lập quan hệ đối tác với thế lực ở Libya, Điện Kremlin có rất ít sự tham gia vào cuộc chơi và không có đòn bẩy khác biệt so với các cường quốc khác.

Các bên liên quan chính của Nga làm việc về vấn đề Libya - bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng và Nhóm Liên hệ Hòa giải Libya - tất cả đều đi theo quỹ đạo thận trọng dựa trên các tín hiệu hạn chế mà họ nhận được từ Điện Kremlin.

Khi cuộc tấn công của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) nhằm vào Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli diễn ra vào đầu tháng 4, các nhà ngoại giao Nga đã liên lạc với cả hai bên trong cuộc xung đột: Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov đã nói chuyện với tướng Khalifa Haftar và Ahmed Maiteeq, thành viên của Hội đồng Tổng thống tại Tripoli, bày tỏ cam kết của Nga đối với tiến trình chính trị do Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Libya dẫn đầu.

Ở thời điểm đó, Ngoại trưởng Lavrov đã lên tiếng không đồng tình về việc GNA sử dụng máy bay chiến đấu chống lại quân đội LNA.

Theo các nhà quan sát, đây là động thái đáng chú ý, bởi nó khiến Nga nhớ lại sự kiện vào năm 2011, khi để phương Tây tự quyết định cuộc xung đột Libya và “vết thương” địa chính trị này vẫn còn ám ảnh các nhà hoạch định chính sách Nga.

Sự kiện 2011 giải thích tại sao các quan chức Nga, bao gồm Ngoại trưởng Lavrov, trong bài phát biểu của mình, đổ lỗi cho chiến dịch do NATO lãnh đạo về những gì đang xảy ra ở Tripoli vào lúc này.

Các liên minh khu vực của Nga cũng làm phức tạp thêm lập trường của nước này ở Libya.

Cùng với Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đều ủng hộ tướng Haftar và coi Libya là một mặt trận quan trọng chống lại nhóm Anh em Hồi giáo.

Cả hai đã tích cực thuyết phục Nga bằng những lời hứa đầu tư, đi kèm với bối cảnh Syria, khiến Moscow chỉ đưa ra lời cảnh báo một cách thận trọng về tướng Haftar, ngay cả khi Nga có thể không hài lòng với cuộc tấn công của ông.

Ở phía bên ngược lại là Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga ở Trung Đông. Trong khi sự tham gia của Ankara vào cuộc xung đột đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, thì sự thất bại của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) sẽ giáng một đòn đáng kể vào ảnh hưởng lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ở Bắc Phi.

Tướng Haftar.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Erdogan đã có cuộc điện đàm với ông Putin vào ngày 30/4 để thảo luận về Libya trong số những điều khác. Ngay cả khi Nga không ngồi vào vị trí dẫn đầu các nỗ lực giảm khủng hoảng ở Libya vào lúc này, họ vẫn có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), đây là tài sản quý giá trong các cuộc tranh luận gần đây về Libya.

Moscow coi LNA của tướng Haftar là một thế lực hợp pháp cũng giống như GNA, theo một nguồn tin ở Moscow quen thuộc với việc hoạch định chính sách của Nga về Libya nói với Al-Monitor.

Tuy nhiên, bất chấp sự sẵn sàng của Nga để hỗ trợ ngoại giao cho Haftar, bản thân hành động của vị tướng này lại là lý do tại sao trong vài năm qua, Moscow đã không thực sự có quan hệ sâu sắc với ông.

Theo đó, Haftar đã liên tục sử dụng Nga như tấm “bình phong” để tạo lợi thế trước các chính trị gia ở châu Âu và Mỹ. Theo nguồn tin của Nga, vị tướng này đã ký nhiều thỏa thuận không chính thức với những nước ủng hộ chính, bao gồm UAE, Pháp và Mỹ, về lợi ích kinh tế và chính trị cụ thể mà họ có thể nhận được từ một Libya dưới quyền thống trị của nhân vật này.

Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được đưa ra cho phía Nga, đặc biệt là trong ngành năng lượng mà Moscow coi là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Cuộc tấn công của Tripoli không làm thay đổi quan điểm của Nga về tướng Haftar. LNA vẫn được coi là một lực lượng hợp pháp và tướng Haftar vẫn được coi là một phần của giải pháp, cũng như là một phần của tương lai của Libya.

Việc đứng ở thế trung lập, không muốn chỉ trích tướng Haftar là việc Nga không muốn mất đi bất kỳ sự liên quan nào trong bối cảnh Libya bằng việc xa lánh lãnh đạo của LNA hay ủng hộ cho Chính phủ GNA.

Theo Al-Monitor, đây là lý do tại sao các bước đi ngoại giao của Nga mang tính biểu tượng, như chặn tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc chỉ trích cuộc tấn công của tướng Haftar, biến nó trở thành một thông điệp quan trọng đối với vị tướng này.

Nga thấy không có lợi ích gì khi công khai đứng về phía Tripoli, nhưng họ sẽ sẵn sàng bước vào ngoại giao để không cho phép LNA thất bại.