Sức khỏe

Vì sao nam nhân viên y tế xuất hiện nhiều triệu chứng hậu Covid-19 hơn?

Nghiên cứu mới cho thấy nhân viên y tế nam xuất hiện các triệu chứng lâm sàng sau mắc bệnh Covid-19 cao hơn nhân viên y tế nữ 1.13 lần.

Nam nhân viên y tế xuất hiện nhiều triệu chứng hậu Covid-19 hơn nữ

Một nghiên cứu trên các nhân viên y tế tại Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp về tình trạng sức khỏe sau mắc bệnh Covid-19 của nhân viên y tế nhằm đánh giá tỷ lệ nhân viên y tế có sự xuất hiện của các triệu chứng lâm sàng sau mắc bệnh Covid-19 và các yếu tố liên quan.

Theo BS.CK2 Phan Nhật Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 292 nhân viên y tế tại bệnh viện kéo dài từ tháng 3-10/2022.

Kết quả cho thấy đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn lên đội ngũ nhân viên y tế. Có tới 85% nhân viên y tế xuất hiện các triệu chứng lâm sàng sau mắc Covid-19. Đặc biệt, nhân viên y tế nam xuất hiện các triệu chứng lâm sàng sau mắc bệnh Covid-19 cao hơn nhân viên y tế nữ 1.13 lần.

Đặc biệt, các nhân viên y tế có bệnh lý nền có khả năng xuất hiện các triệu chứng lâm sàng sau mắc Covid-19 cao hơn. Những người đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như stress, trầm cảm, lo âu... sẽ mắc các triệu chứng lâm sàng sau mắc Covid-19 cao hơn người bình thường từ 1.13 – 1.22 lần. Vậy nên, người stress, lo âu...càng cao thì tỷ lệ mắc các triệu chứng sau mắc Covid-19 càng cao.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp nhận định rằng: "Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế, trong đó đội ngũ nhân viên y tế bị ảnh hưởng rất nhiều. Thông qua cuộc khảo sát cho thấy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần cho nhân viên y tế sau đại dịch Covid-19 là rất cần thiết, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao".

Dấu hiệu hậu Covid-19

Tại hướng dẫn mới nhất về Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19, Bộ Y tế nhấn mạnh nếu sau mắc Covid-19 tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, kèm theo một số triệu chứng như:

Mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ;

Ngủ không yên giấc;

Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung;

Đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; Đau họng hoặc loét miệng; đau đầu ... các "cựu"

F0 cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài sau mắc Covid-19, đồng thời có bệnh mạn tính về tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim...), bệnh nội khoa (đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) hoặc có biến chứng về tim mạch, hô hấp...trong thời gian nhiễm Covid-19, bạn không nên trì hoãn mà cần khám và quản lý sớm tại các phòng khám chuyên khoa tương ứng.

Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Người Lao Động )