Toàn cảnh

Vì sao lời xin lỗi "nắn nót" của Hương Giang phản tác dụng?

Liên quan đến lùm xùm "khẩu chiến" của Hương Giang Idol và anti-fan, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã có những phân tích đa chiều về ồn ào này.

Mới đây, Hương Giang Idol đã lên tiếng xin lỗi, thừa nhận nóng giận với anti-fan. Nhưng, thay vì được cảm thông, động thái này lại khiến làn sóng “tẩy chay” cô dữ dội hơn. Anh nhìn nhận thế nào về lời xin lỗi này của Hoa hậu Chuyển giới?

Việc Hương Giang lên tiếng xin lỗi là không sai, nhưng cách cô ấy xin lỗi lại có vấn đề. Tất nhiên, chúng ta không nên quy kết lời xin lỗi của cô ấy là giả tạo. Nhưng, dường như, cách thể hiện của Hương Giang đang không ổn, cô ấy chỉ đang cố gắng thanh minh, vớt vát sau khi khiến đám đông nổi giận. Điều này dễ khiến người khác cảm thấy lời xin của cô ấy giả tạo, không trung thực.

Lùm xùm "khẩu chiến" với anti-fan khiến Hương Giang bị ảnh hưởng khá nhiều.

Trong hoàn cảnh này, đâu là lý do khiến lời xin lỗi của Hương Giang bị phản tác dụng?

Tôi có theo dõi câu chuyện này và thấy cách xử lý khủng hoảng của Hương Giang đang không ổn chút nào. Tất cả những động thái của cô ấy với anti-fan dường như đang mang tính đối phó. Nó chỉ cho thấy Hương Giang rất thông minh, nhưng không thể hiện việc, cô ấy nhìn ra được đúng-sai ở đâu.

Có vẻ như, hành động của cô ấy đang đi theo hướng, “tôi đang muốn nắm giữ cuộc chơi này”, chứ không phải “thấy được điểm sai và muốn sửa sai”. Nếu, biết mình sai ở đâu và sửa ở đó, chính là cách xử lý khôn ngoan nhất.

Trường hợp này, lời xin lỗi của Hương Giang bị phản ứng ngược, vì cô ấy chưa thấy mình sai. Dường như, Hương Giang lên tiếng xin lỗi vì bị anti-fan tấn công quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc, nên cô ấy tự vệ thôi, chứ không phải thấy mình sai. Rõ ràng, lời xin lỗi đó sẽ phản tác dụng, khiến người khác cảm thấy giả tạo, thiếu chân thành.

Tất nhiên, bức xúc, bực bội, rồi lên tiếng giải thích, thanh minh là mạch cảm xúc tự nhiên của con người. Nhưng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn. Trường hợp của Hương Giang, cô ấy chỉ đang đưa ra lời xin lỗi, chứ không phải đang xin lỗi. Sự vội vàng và thiếu kiểm soát cảm xúc đang khiến cô ấy phải trả giá.

Vậy, theo anh, một lời xin lỗi thế nào mới có “sức nặng” để được cảm thông và tha thứ?

Lâu nay, chúng ta chỉ để ý dạy cho trẻ con biết cảm ơn-xin lỗi, nhưng với người lớn đó cũng là kỹ năng rất quan trọng cần phải học và mài giũa để làm sao xin lỗi cho đúng chuẩn.

Đôi khi, xin lỗi chỉ cần ngắn gọn “Tôi xin lỗi”, “Tôi đã sai”. Thay vì thanh minh “Tôi sai ở đâu; Tại sao lại sai; Nếu 10 phần - tôi sai 9, còn 1 phần tôi đúng”,…thì chẳng khác gì bạn đang dùng lời xin lỗi để bao biện. Hay, nhiều khi bạn muốn xin lỗi, cũng không nhất thiết phải thể hiện bằng lời nói, mà chỉ qua ánh mắt, biểu cảm cũng đủ để người khác cảm thông và mở lòng đón nhận.

Tôi nghĩ, một lời xin lỗi sẽ được đón nhận khi xuất phát từ tâm. Nếu, trong lòng bạn cảm thấy mình sai, khi lên tiếng xin lỗi, người ta sẽ cảm nhận được sự thành thật của bạn. Còn, nếu trong lòng bạn không thấy mình sai, mà dùng lời xin lỗi như một công cụ, kiểu gì cũng bị soi ra là giả tạo, không trung thực.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.

Giả sử, đặt mình là chuyên gia truyền thông của Hương Giang Idol, anh sẽ làm thế nào để giúp cô ấy vượt qua “khủng hoảng” thời điểm này?

Là một chuyên gia truyền thông, nếu tư vấn cho khách hàng, tôi không bao giờ khuyên họ hãy phản công hay xin lỗi. Tôi sẽ phân tích cho họ thấy đúng-sai ở đâu. Tôi sẽ bằng mọi cách “tấn công” để họ nhìn rõ cái sai của bản thân, và phải chắc chắn rằng, tận trong sâu thẳm, họ tự thấy mình sai. Sau đó, tôi sẽ để họ tự chọn phương án xử lý. Nhất là với một người thông minh, sắc sảo như Hương Giang, chắc chắn cô ấy sẽ tự biết mình phải làm gì.

Khi khách hàng nhận ra mình sai ở đâu và muốn nói lời xin lỗi, là người tư vấn truyền thông, tôi sẽ sửa lại câu chữ, để đảm bảo không có bất cứ sự hiểu lầm nào về nội dung. Bởi, đôi khi, họ thấy mình sai, nhưng nội dung họ viết ra vẫn có thể khiến người khác hiểu lầm. Trong trường hợp, họ chưa thấy mình sai, nhưng vẫn cố gắng “nắn nót” để đưa ra lời xin lỗi, đó chỉ là sự ngụy tạo.

Thực ra, xử lý khủng hoảng truyền thông cực kỳ dễ. Nó chỉ khó ở chỗ, hầu hết những người trong cuộc không thấy mình sai. Nên, vai trò của các chuyên gia truyền thông gần như đóng vai quan tòa, phân tích đúng-sai.

Tuy nhiên, khi khách hàng đưa ra quan điểm, mình nên tôn trọng và cân nhắc. Bạn muốn “dạy đời”, đó là quyền của bạn, đồng nghĩa bạn phải chấp nhận cái giá phải trả. Còn, bạn vừa muốn “dạy đời”, vừa muốn có show, có tiền, vừa muốn người khác không ghét mình, điều này chắc chắn không bao giờ xảy ra. Khi nào bạn tự tin vỗ ngực rằng: “Tôi muốn trở thành người số 1 về rao giảng đạo lý, lúc đó bạn là người thắng”. Bạn sẽ có 1 nghìn người ghét bạn, nhưng cũng có 1 nghìn người thích bạn.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!