Thế giới

Vì sao kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhẹ?

The Economist dự báo suy thoái tại Mỹ nếu có cũng sẽ nhẹ nhưng khả năng phục hồi chậm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại

Theo Vnexpress, những ngày qua, các ngân hàng lớn, nhà kinh tế và cựu quan chức Mỹ đều nói rằng suy thoái là điều gần như chắc chắn khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tìm cách kiểm soát lạm phát. Ba phần tư CEO các công ty thuộc Fortune 500 dự báo kinh tế tăng trưởng âm trước khi năm 2023 kết thúc. Các tìm kiếm trên Google cho từ khóa "suy thoái kinh tế" tăng vọt.

Mới đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho biết, bất cứ khi nào lạm phát lên trên 4% và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4% - cho thấy kinh tế phát triển quá nóng, trong vòng 2 năm, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Kinh tế Mỹ lúc này đã phá vỡ hai ngưỡng trên.

Năm ngoái, Fed và các nhà đầu tự tin rằng lạm phát sẽ giảm dần khi đại dịch lắng xuống. Giờ, không còn ai tin nữa. Câu hỏi là để hạ nhiệt lạm phát, Fed sẽ phải thắt chặt tiền tệ mạnh tay, vậy nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng ra sao? Nếu Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế thì như thế nào?

Theo The Economist, kể từ năm 1945 đến nay, Mỹ đã trải qua 12 lần suy thoái. Nhiều nhà quan sát chỉ ra những điểm tương đồng giữa tình trạng hiện nay và đầu thập kỷ 80, khi Fed mạnh tay kiểm soát lạm phát, dẫn đến một cuộc suy thoái sâu.

Thông tin trên TTXVN, các đợt suy thoái thường rất khó để đoán trước, nhưng các ngân hàng lớn và nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng đang ngày càng đồng thuận rằng một đợt suy thoái sắp diễn ra khi Fed đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát. Các ngân hàng Bank of America, Deutsche Bank, Wells Fargo và Goldman Sachs nằm trong số những công ty lớn nhất dự đoán khả năng suy thoái trong hai năm tới.

Dù nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn khá ổn ở thời điểm hiện tại, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy dự đoán trên có thể đúng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại, khi Cơ quan thống kê lao động Mỹ trong tháng này cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã bất ngờ giảm xuống trong quý 1 năm nay. Đây là kết quả tồi tệ nhất kể từ mùa xuân năm 2020, khi nền kinh tế Mỹ vẫn còn chìm sâu trong đợt suy thoái do đại dịch Covid-19.

Về mặt lý thuyết, một đợt suy thoái được định nghĩa là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, và được thể hiện ở các “triệu chứng” như tỉ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng GDP thấp hoặc âm, thu nhập giảm và doanh số bán lẻ tăng chậm lại. Nhưng, biểu hiện thực tế của nó lại rất khác nhau, vì thế rất khó để đoán trước khi nào một đợt suy thoái sẽ xảy ra.

Nói về vấn đề lạm phát, chuyên gia kinh tế Alan Blinder thuộc Đại học Princeton, đồng thời là cựu Phó Chủ tịch Fed, đã chỉ ra 11 chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed kể từ năm 1965 và suy thoái diễn ra ngay sau tám trong số các chu kỳ đó. Hầu hết các đợt suy thoái này đều rất nhẹ, khi có năm đợt GDP chỉ giảm chưa đến 1% hay thậm chí là không giảm.

Tương tự, theo các chiến lược gia của Deutsche Bank, một đợt suy thoái sẽ bắt đầu vào tháng Tư năm sau do những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed. Nhưng, nhóm chuyên gia này cho rằng có thể nền kinh tế sẽ chỉ suy thoái “nhẹ,” khác xa so với các đợt suy thoái năm 2008 và 2020 tại Mỹ.

Có thể, kinh tế Mỹ sẽ có nhiều năm tăng trưởng yếu, hoặc trải qua một đợt suy thoái ngắn mà GDP không giảm quá nhiều và nền kinh tế phục hồi khá nhanh sau đó.

Một người đàn ông đẩy xe mua hàng ở siêu thị tại Manhattan, New York ngày 28/3. Ảnh: Reuters.

Tìm cách kiềm chế lạm phát

Theo số liệu trên báo Lao Động, trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng, theo dõi mức trung bình mà người Mỹ phải trả cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 8,3%, giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn ở mức cao chưa từng thấy trong 40 năm. Đây là vấn đề quan trọng với Tổng thống Joe Biden khi đảng của ông đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, giá tăng là một trong những mối quan tâm lớn nhất của cử tri ở thời điểm hiện tại và lạm phát cao dường như đang tác động tới tỉ lệ ủng hộ tổng thống.

Ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng số liệu việc làm mới nhất cho thấy nước Mỹ có thể kiểm soát được lạm phát tăng vọt, trong khi duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh.

Phát biểu tại hội nghị ông Biden nhấn mạnh đến nền tảng vững vàng của nền kinh tế Mỹ dù giá tiêu dùng tăng. Trên cơ sở đó, nước Mỹ sẽ xây dựng một tương lai tăng trưởng ổn định và vững chắc để có thể hạ nhiệt lạm phát mà không phải hy sinh những thành quả đã đạt được.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, nhiều người Mỹ vẫn lo ngại khi giá các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và xăng tăng mạnh lên các mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, ông cho rằng, nhờ những tiến triển lớn của nền kinh tế, người Mỹ có thể ứng phó được với lạm phát.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3/6, các công ty Mỹ đã tuyển dụng thêm 390.000 việc làm trong tháng 4, một dấu hiệu cho thấy tốc độ tuyển dụng chậm lại nhưng vẫn cao hơn dự kiến do tình trạng thiếu lao động.

Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,6% tháng thứ ba liên tiếp, tăng 0,1 điểm phần trăm so với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 2/2020.

Thời gian qua, các công ty gặp khó khăn trong việc lấp đầy các vị trí việc làm còn trống, khiến lương tăng và thu nhập trung bình theo giờ tăng thêm 10 xu so với tháng 4, lên 31,95 USD.

Mức thu nhập này tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với mức tăng hàng năm của tháng 4.

Ông Joe Biden trước cuộc gặp Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, đã có bài viết trên Wall Street Journal: "Trước tiên, Cục Dự trữ Liên bang có trách nhiệm chính là kiểm soát lạm phát". Ông cũng nhất trí với Fed rằng chống lạm phát "là thách thức kinh tế hàng đầu của chúng ta lúc này".

Hiện, Cục Dự trữ Liên bang đang tham gia vào quá trình phức tạp nhằm làm chậm lại việc tăng giá mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái. Công cụ chính của Fed trong nỗ lực này là khả năng của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trong việc đặt ra các mức lãi suất chuẩn ảnh hưởng đến chi phí đi vay trên toàn nền kinh tế.

Trúc Chi (t/h)