Môi trường

Vì sao khoáng sản dễ “chảy máu”?

Lợi dụng được cấp phép “nạo vét – tận thu” hoặc dưới danh nghĩa “cải tạo đất vườn” hoặc các vỏ bọc khác nhau, nhiều tổ chức/cá nhân đang móc nối với các bên liên quan để khai thác khoáng sản: cát, đá, cao lanh… Điều lạ là xe ben cỡ lớn, xe múc (cuốc), xe ủi… vẫn kêu rền vang nhưng chính quyền địa phương lại không hay biết?

Từ biển lên vườn, khoáng sản đang "chảy máu" hàng ngày, hàng giờ dưới các vỏ bọc khác nhau.


Chiêu sức hết sức tinh vi

Thời điểm nhóm PV có mặt tại nơi thực hiện cái gọi là  “Nạo vét, xử lý cấp bách hiện tượng bồi lắng cửa luồng ra vào khu neo đậu, khu tránh trú bão cho tàu cá Bến Lội - Bình Châu” (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ghi nhận tại hiện trường cho thấy: xe cuốc của Công ty TNHH Xây dựng Việt Khôi Hưng (có địa chỉ tại ấp Gia Hoà, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa múc lên xe ben đầy cát.

Xe ben chở cát rời đi tại hiện trường của công ty Việt Khôi Hưng.

Ngay lập tức, xe ben rời đi. Sau đó, xe cuốc tiến hành múc “rác thải” từ biển (do máy hút vào) để lấp hố này. Ghi nhận của nhóm PV, đó là một hố khá sâu đang được lấp lại.

“Chiêu thức” này cũng y như Việt Khôi Hưng đã làm trước đó và bị lực lượng lực lượng chức năng xã Bình Châu phát hiện, xử lý ngay tại hiện trường.

Ngay lập tức, xe cuốc tiến hành múc “rác thải” từ biển (do máy hút vào) để lấp hố này.

Cụ thể, khoảng 21h ngày 20/8, công ty Việt Khôi Hưng dùng xe, múc cát tại điểm, đưa lên xe ben mang biển kiểm soát 72C - 167.79 thì bị lực lượng chức năng xã Bình Châu bắt quả tang.

Sau khi lấy số lượng cát san lấp đưa ra khỏi hiện trường, nhân viên của công ty này dùng xe cuốc xúc cát biển lấp lại.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận có một hố sâu 2m, diện tích khoảng 16m2 (tương đương 32m3 cát san lấp) đã bị công ty Việt Khôi Hưng khai thác trái phép.

Một hố rộng và sâu được tạo ra sau quá trình nạo vét.

Về vụ việc này, UBND xã Bình Châu đã ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm (nêu trên) cùng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của công ty Việt Khôi Hưng để phục vụ công tác xử lý.

Trước đó, công ty Free Land (trụ sở tại TP.HCM) cũng bị phạt 100 triệu đồng do khai thác cát trái phép tại dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Free Land (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc). Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Free Land do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tịch thu tang vật gồm: 275m3 cát, 5 xe ben, 4 xe cuốc và 1 dàn bơm hút dùng để khai thác cát không phép.

Công ty Free Land còn bị buộc phải thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác cát trái phép, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Một bãi tập kết cát trên địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng khai thác khoáng sản “chui” nhưng lại núp bóng dưới danh nghĩa “cải tạo đất vườn”, chủ đất móc nối với các cơ sở chế biến, sản xuất đá đang khai thác đá “mồ côi” ồ ạt ở khu vực huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai).

Thực tế, quá trình điều tra, thâm nhập thực tế, nhóm PV ghi nhận tình trạng khai thác đá “mồ côi” – dân gian quen gọi (đá dùng để lót sân, ốp tường…) đang diễn ra tràn lan trên địa bàn xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Đá được moi lên, tập kết thành bãi.

Hầu hết các điểm khai thác đá nằm trong vườn, rẫy (chủ yếu là tràm, chuối, đất trống…) của người dân. Đây được lý giải là việc “cải tạo vườn”, sau đó là tận thu những gì có được?.

Tuy nhiên, thực tế, chiêu thức hết sức tinh vi là sau khi moi đá trong lòng đất, họ lại đào đất từ khu vực khác lấp lại, xem như chưa có chuyện gì xảy ra.

Chỉ cần vài ba tảng là đầy xe ben.

Đá sau khi moi lên, chất đầy lên xe ben chở về các điểm chế tác, sản xuất đá (chủ yếu là 2 cơ sở: Thạch Bàn 2 và hộ ông Sách, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Các loại xe này đa phần là hết hạn sử dụng (không đăng kiểm).

Hàng ngày có hàng loạt xe ben cỡ lớn chở đá từ các khu khai thác đá, tập kết về 2 bãi này. Hàng loạt xe container (hay gọi xe công), xe cẩu loại lớn đưa đá đã tinh chế đến các điểm tiêu thụ.

Lạ như cách làm việc của lãnh đạo xã

Hiện nay, các dự án được cấp phép “nạo vét lòng hồ/sông/biển và tận thu” đều do UBND tỉnh cấp phép. Sau đó, giao các đơn vị liên quan thẩm định, thanh - kiểm tra, giám sát…

Tuy nhiên, việc quản lý địa bàn của UBND xã là rất quan trọng, vì đây là đơn vị thường trực, nắm rõ các hoạt động diễn ra trên địa bàn. Nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. 

Xe ben thùng rỗng vào bãi lấy cát.

Khi nhóm PV đến đề nghị làm việc về Dự án nạo vét, công ty Việt Khôi Hưng nằm trên địa bàn xã Bình Châu, ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã lại không hề hay biết gì?.

Ông Dậu nói: “Tất cả hồ sơ xã đều không nắm và việc họ khai thác như thế nào cũng không rõ, vì dự án do tỉnh cấp phép. Các anh muốn biết thì lên làm việc với ban Quản lý đầu tư xây dựng của huyện, chứ xã không quản lý bất cứ cái gì?”.

Sau đó phóng bạt mạng trên đường.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thông tin xử phạt và bắt tại trận đối với công ty Việt Khôi Hưng, đồng thời, do chính ông Dậu đặt bút ký vào văn bản đề xuất xử phạt đối với Công ty này?.

Nhóm PV thật sự bất ngờ với công tác quản lý địa bàn và phát ngôn của ông Phó Chủ tịch xã. Ở đây có vấn đề gì khó nói hay không thể cung cấp thông tin cho báo chí?.

Khoáng sản "chảy máu" dưới nhiều vỏ bọc khác nhau.

Đây cũng là “bài đối phó” với báo chí của lãnh đạo các xã khi có những vấn nạn về khai thác khoáng sản trái/sai/không phép trên địa bàn.

Như trước đó nhóm PV đã phản ánh, về việc lãnh đạo UBND xã Sông Trầu ngó lơ với PV khi thực tế khoáng sản đang chảy máu hàng ngày, hàng giờ.

Cụ thể, khi nhóm PV đến trụ sở UBND xã Sông Trầu đề nghị làm việc đã hết sức bất ngờ trước cảnh nhiều cán bộ/công chức tụ tập ăn uống tại phòng Phó Chủ tịch, dù đang trong giờ làm việc.

Để lại nhiều hệ luỵ về môi trường.

Thấy nhóm PV đưa giấy giới thiệu, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu vẫn còn nhai thức ăn trong miệng chống chế: “do cúp điện”.

Tại phòng làm việc của bà Yến (có ông Huy, cán bộ phụ trách mảng địa chính, tài nguyên – môi trường), nhóm PV cung cấp thông tin để cùng UBND xã xác minh vụ việc.

Dù vậy, sau khi cung cấp địa điểm, vị trí khai thác đá trên địa bàn thì bà Yến, cùng cán bộ địa chính tỏ ra lúng túng, trả lời: “Việc này phải để từ từ kiểm tra lại, vì địa bàn Sông Trầu có đến 4.315ha, đưa 1 cái hình như vậy thì tìm đến khi nào cho ra được”.

Khi nhóm PV mời bà Phó Chủ tịch và cán bộ phục trách của xã đi cùng để xác minh vị trí thì ông Huy trả lời ngay: “Không, anh không đi cùng bọn em được”.

Sạt lở sông/hồ...

Tương tự, đến trụ sở UBND xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã yêu cầu để lại nội dung, thông tin đơn vị làm việc, rồi sắp lịch làm việc sau.

Sau đó, qua điện thoại, ông Dũng cho rằng, việc khai thác đá thuộc địa bàn xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom nên không phải trách nhiệm của xã Vĩnh Tân.

PV chất vấn, việc khai thác ở xã Sông Trầu nhưng lại được đưa về xã Vĩnh Tân thì ông Dũng tiếp tục yêu cầu: “Để lại thông tin rồi sắp lịch làm việc sau”.

Lãnh đạo và cán bộ phụ trách lĩnh vực của các xã này có thiếu trách nhiệm, thờ ơ trong công tác quản lý địa bàn hay không?.

Những hình ảnh nêu trên hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra trên thực địa của các xã, khi mà máy cuốc, máy xúc, máy ủi đang ồ ạt hoạt động để đưa cát, đá rời khỏi địa phương với số lượng rất lớn hàng ngày.

Câu hỏi được đặt ra, lãnh đạo và cán bộ phụ trách lĩnh vực của các xã này có thiếu trách nhiệm, thờ ơ trong công tác quản lý địa bàn hay không?

Có một sự thật đau lòng là khoáng sản đang "chảy máu" từng giờ, từng phút với số lượng rất lớn nhưng lãnh đạo và cán bộ phụ trách địa chính, tài nguyên - môi trường các xã lại thờ ơ như không hề hay biết.