Chính sách

Vì sao học sinh không được mua BHYT hộ gia đình?

Gia đình đông người tham gia BHYT hộ gia đình thì những người sau sẽ được mua với giá rất rẻ. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên không được mua BHYT hộ gia đình.

Nhiều người thắc mắc là gia đình có đông người, nếu học sinh - sinh viên mua bảo hiểm y tế (BHYT) theo diện hộ gia đình thì sẽ lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Luật BHYT, học sinh - sinh viên không thể mua BHYT diện hộ gia đình.

Về vấn đề này, Điều 12 Luật BHYT quy định 5 nhóm tham gia BHYT.

Thứ nhất là nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Thứ 2 là nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng, bao gồm: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ 3 là nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm: quân nhân, người làm công tác cơ yếu, học viên cơ yếu ở các trường quân đội, công an; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi…

Thứ 4 là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên.

Thứ 5 là nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ những người được đã thuộc 4 nhóm trên.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Luật BHYT quy định:

“Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT”.

Theo quy định này, đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng tham gia BHYT có thứ tự sắp xếp thuộc nhóm thứ 4, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình có thứ tự sắp xếp thuộc nhóm thứ 5 từ trên xuống. Do đó, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác có thứ tự thuộc nhóm 1, 2, 3) thì sẽ tham gia BHYT tại nhà trường và không được tham gia BHYT theo hộ gia đình.

 

Mức đóng BHYT hộ gia đình

Mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, như sau:

Người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở;

Người thứ hai: 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở).

Người thứ ba: 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở).

Người thứ tư: 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở).

Người thứ năm trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở).

Từ 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình, như sau:

Người thứ nhất: 81.000 đồng/tháng; 972.000 đồng/năm (trước 1/7: 67.050 đồng/tháng; 804.600 đồng/năm).

Người thứ hai: 56.700 đồng/tháng; 680.400 đồng/năm (trước 1/7: 46.935 đồng/tháng; 563.220 đồng/năm).

Người thứ ba: 48.600 đồng/tháng; 583.200 đồng/năm (trước 1/7: 40.230 đồng/tháng; 482.760 đồng/năm).

Người thứ tư: 40.500 đồng/tháng; 486.000 đồng/năm (trước 1/7: 33.525 đồng/tháng; 402.300 đồng/năm).

Người thứ năm trở đi: 32.400 đồng/tháng; 388.800 đồng/năm (trước 1/7: 26.820 đồng/tháng; 321.480 đồng/năm).

Minh Hoa (t/h)