Xu hướng thị trường

Vì sao hệ thống siêu thị FiviMart bị xóa sổ sau 10 năm?

Vingroup vừa hoàn tất thương vụ mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart để sáp nhập vào hệ thống VinMart, đồng nghĩa với việc thương hiệu Fivimart sẽ bị xóa sổ sau hơn 10 năm hoạt động.

Vingroup mua lại FiviMart sau khi đại gia Nhật “buông”

Ngày 28/9/2018, công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce (thành viên của tập đoàn Vingroup), công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart từ công ty Cổ phần Nhất Nam.

Được biết, sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.

Bên cạnh việc tiếp tục kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng, phân phối các mặt hàng thực phẩm, gia dụng, đồ dùng hóa mỹ phẩm…, các siêu thị mới sẽ được tăng cường các mặt hàng thực phẩm tươi sống an toàn vốn là đặc trưng của chuỗi VinMart, cũng như bổ sung thêm nhiều sản phẩm phong phú và các nhãn hàng riêng như nông sản VinEco, thực phẩm sơ chế và chế biến VinMart Cook, các mặt hàng tiêu dùng gia đình VinMart Home…

VinCommerce quyết định mua lại 100% hệ thống FiviMart sau khi tập đoàn Aeon Nhật Bản rút 30% vốn khỏi chuỗi siêu thị này.

Chia sẻ về thương vụ M&A đình đám này, bà Thái Thị Thanh Hải - Tổng Giám đốc VinCommerce cho biết, thương vụ sáp nhập hệ thống Fivimart là một trong những bước đi để hiện thực hoá kế hoạch phát triển các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart tới từng khu dân cư, chứ không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn như hiện nay.

Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.

Trước đó, ngày 29/8, tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) phát đi thông cáo về việc hủy hợp tác nghiệp vụ, hợp tác liên kết vốn giữa công ty Cổ phần Aeon và công ty Cổ phần First Việt Nam (Nhất Nam - Fivimart) sau hơn 3 năm hợp tác.

Thông cáo cho biết trong phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của Aeon và Fivimart có sự khác nhau rõ ràng. Vì vậy, hai công ty đã thương lượng và đi đến đồng ý hủy bỏ mang tính phát triển nhằm để cho mỗi bên xúc tiến chiến lược tăng trưởng, đầu tư vào việc cải thiện giá trị công ty, thay vì tiếp tục việc hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn. Ngày hủy bỏ hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn là 29/8, và ngày chấm dứt quan hệ vốn là 31/8.

Kinh doanh kém hiệu quả

Công ty Cổ phần Nhất Nam thành lập ngày 17/2/1997, trụ sở tại số 2 đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Người đại diện là bà Đặng Thị Đan Tâm. Đây là một trong những công ty Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị.

Khi mới thành lập, Fivimart thực sự gây được ấn tượng tốt với người tiêu dùng Thủ đô bởi hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng, hệ thống máy tính tiền chất lượng cao, thường xuyên có các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…

Công ty Nhất Nam đã nhận được bằng khen của UBND thành phố Hà Nội cho doanh nghiệp có đóng góp trong lĩnh vực phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội các năm 2004, 2005, 2006.

Thương hiệu Fivimart cũng nhiều lần được công nhận là thương hiệu nổi tiếng do người tiêu dùng bình chọn.

Đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart (và 49% cổ phần của Citimart, 2 chuỗi bán lẻ siêu thị lớn ở hai thị trường miền Bắc và miền Nam Việt Nam).

Tuy nhiên thương vụ hợp tác này sau 3 năm đã không đạt được kết quả như đại gia Nhật kỳ vọng.

Báo cáo tài chính của Fivimart cho thấy, thời điểm Aeon bắt đầu hợp tác năm 2015, doanh thu của FiviMart trong năm này là 1.075 tỷ đồng, lỗ 60 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ tiếp 96 tỷ đồng.

Năm 2017, doanh thu tăng lên 1.269 tỷ đồng, đồng thời báo lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến Fivimart thua lỗ là do chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ bán hàng hóa trong siêu thị. Cụ thể, năm 2016, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 280 tỷ đồng trong khi lãi gộp chỉ là 183 tỷ đồng.

Các khoản chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên đến gần 272 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 11,8 tỷ đồng trong năm 2017.

Đến cuối năm 2016, tổng nợ và thuê tài chính của Fivimart là gần 700 tỷ đồng.

Chính vì lý do trên, Aeon đánh giá mối quan hệ với Fivimart không đem lại nhiều hiệu quả. Tập đoàn này quyết định bán đi 30% cổ phần đang nắm giữ tại Fivimart cho bên thứ ba. Aeon cho rằng động thái rút vốn khỏi Fivimart sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam.