Góc nhìn luật gia

Vì sao hàng Việt đối mặt nguy cơ bị ra rìa trên kệ hàng của siêu thị Big C?

Liên quan đến việc siêu thị Big C đột ngột ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam, chuyên gia pháp lý nhận định, các chính sách đảm bảo quyền lợi cho hàng hóa nội địa vẫn chỉ là vận động tuyên truyền chứ chưa có quy định rõ ràng.

Đối với những tranh chấp giữa hàng trăm nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam với hệ thống siêu thị Big C đang được dư luận quan tâm, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật (đoàn Luật sư TP.HCM).

Siêu thị Big C vừa đột ngột thông báo ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam để tái cơ cấu ngành hàng.

Khi siêu thị Big C thông cáo ngừng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp Việt Nam, ngoài căn cứ trên hợp đồng, liệu quyết định này có vi phạm điều lệ gì trong pháp luật Việt Nam, nguyên tắc cạnh tranh hay không, thưa luật sư?

Hiện nay, Centra Group Việt Nam, đơn vị sở hữu siêu thị Big C mới chỉ đưa ra thông tin có tính chất thông báo. Tuy nhiên, để có được thông báo này thì họ đã có sự chuẩn bị từ lâu.

Theo nội dung thông báo đó thì tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại. Bên cạnh những nội dung mà hợp đồng này ghi nhận thì cũng phải xem pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự, luật Cạnh tranh, luật Thương mại,...

Các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để bảo vệ mình, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp liên quan trong vụ việc này là các nhà cung cấp ngành hàng may mặc cũng như các nhà cung cấp các ngành hàng khác nên liên kết lại để có sức mạnh tập thể, có phương án giải quyết tốt. Đồng thời, nên kêu gọi sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức hội doanh nghiệp, hội ngành hàng để có tiếng nói chung.

Việc khiếu nại có thể được bên yêu cầu giải quyết thông qua các tổ chức giải quyết tranh chấp như trung tâm trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật.

Theo pháp luật của Việt Nam, các chính sách đảm bảo tỉ lệ hàng nội địa trong các nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như thế nào?

Kể từ tháng 1/2015, các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài được phép thành lập ở Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp 10 nước ASEAN sẽ được bãi bỏ hàng rào thuế quan khi tham gia khu vực mậu dịch chung ASEAN, 100% dòng thuế nhập khẩu ở hầu hết các mặt hàng cũng sẽ được xóa bỏ vào năm 2018.

Việt Nam đã hội nhập nền kinh tế thế giới nên phải tuân thủ các luật quốc tế và cam kết quốc tế. Theo tìm hiểu của tôi thì các chính sách để đảm bảo tỉ lệ hàng nội địa trong các siêu thị bán lẻ của nước ngoài mới chỉ được đưa ra trong việc tuyên truyền như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chứ chưa có quy định cụ thể trong luật.

Như vậy, hậu quả từ vụ việc này là gì, thưa ông?

Tôi nghĩ vụ việc này chắc chắn ảnh hưởng đến canh tranh giữa hàng Việt với hàng hóa ngoại nhập trong các siêu thị có chủ sở hữu nước ngoài. Một khi sản phẩm Việt Nam có tốt đến mấy mà không được siêu thị bày bán thì không thể có cạnh tranh.

Người chủ sở hữu siêu thị sẽ là người quyết định bán những nhãn hàng hóa nào, hàng Việt Nam hay hàng ngoại nhiều hơn. Tuy nhiên, siêu thị vẫn cần nhiều mặt hàng phong phú để bán để phục vụ người mua. Trong đó có những mặt hàng mang tính địa phương, sản xuất tại chỗ, hàng tiêu thụ nhanh, đặc sản … cũng như thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!