Tiêu dùng & Dư luận

Vì sao giá xi măng tăng mạnh?

Trong khi giá thép quay đầu giảm mạnh chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 5, giá xi măng vẫn tăng mạnh.

Từ giữa tháng 5, loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thông báo điều chỉnh giảm giá thép, đặc biệt là thép xây dựng. Đây là đợt giảm giá lớn nhất của thép trong nước sau chuỗi tăng giá 7 lần liên tiếp từ đầu năm đến nay. Sau đợt điều chỉnh này, mặt bằng giá thép giảm về bình quân 18,5-18,7 triệu đồng mỗi tấn, nhưng vẫn cao hơn khoảng 1,5-1,7 triệu đồng một tấn so với giữa năm ngoái. Trong khi giá thép quay đầu giảm mạnh thì giá xi măng vẫn tăng mạnh.

Sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tháng 5/2022, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,97 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 44,12 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 26,73 triệu tấn, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2021, song xuất khẩu tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2021; ước đạt khoảng 17,39 triệu tấn.

Hiện tồn kho sản phẩm xi măng của cả nước trong 5 tháng năm 2022 khoảng 4,7 triệu tấn tương đương khoảng 20-25 ngày sản xuất, chủ yếu là clanhke.

Giá xi măng tiếp tục tăng do áp lực giá nguyên liệu sản xuất đầu

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng và Hiệp hội Xi măng Việt Nam trong tháng 5/2022, giá bán xi măng trong nước tăng khoảng 40.000-80.000 đồng/tấn, tùy từng loại xi măng (PCB30, PCB40…) và thương hiệu xi măng; giá xuất khẩu tương đối ổn định.

Trong giai đoạn nửa cuối tháng 5 đến nay, thị trường xi măng ghi nhận khoảng 10 đơn vị tăng giá bán. Cụ thể, từ ngày 10/5, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn. Tương tự Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 80.000 đồng/tấn đối với tất cả loại. Xi măng Cần Thơ, xi măng Tây Đô cũng đồng loạt tăng giá 7.000 - 10.000 đồng/bao.

Ngày 12-20/5, liên tiếp các công ty xi măng như: Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn, cũng thông báo tăng giá bán 55.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Nguyên nhân được các doanh nghiệp lý giải rằng giá nguyên vật liệu tăng cao như: Than, dầu, thạch cao... dẫn đến giá thành sản xuất tăng, mặc dù họ đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn tính toán mức độ ảnh hưởng của giá than tăng lần này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của clinker gần 85.000 đồng/tấn, bao PCB30 xấp xỉ 50.000 đồng/tấn, bao PCB40 gần 58.000 đồng/tấn, rời PCB40 công nghiệp trên 65.000 đồng/tấn.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến nhiều loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng mạnh. Ngoài xi măng, các loại vật liệu xây dựng khác như cát, đá, gạch đều tăng.

Đơn cử, trong tháng 5, giá nhựa đường các loại tăng từ 800-1.000 đồng/kg so với tháng 4; cát vàng tăng 20.000 đồng/m3, cát đen tăng khoảng 5.000 đồng/m3; gạch nung tăng 500 đồng/viên; các loại đá xây dựng như: đá đen, đá xanh, sỏi xây dựng tăng khoảng 10.000 đồng/m3. Giá các thiết bị điện như ổ cắm, công tắc điện, ống luồn... từ 1/6 cũng đồng loạt tăng 5%. Giá các mặt hàng trang trí nội thất tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu tháng 4.

Khẩn trương triển khai các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng.

Theo dữ liệu của Trading Economic, giá than đá ngày 30/5 ở mức 401 USD/tấn, tăng 33,76% so với tháng trước và 237,26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xăng dầu cũng tăng mạnh do xung đột giữa Nga và UKraina dẫn đến nguồn cung khan hiếm.

Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.

Năm 2021, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành xi măng vẫn lập kỷ lục về tiêu thụ với 108,4 triệu tấn, tăng 8,1% so với năm 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa 62,7 triệu tấn, tăng 0,9%, chiếm 57,8% tỷ trọng toàn ngành; xuất khẩu gần 46 triệu tấn, tăng 20,1% và chiếm 42,15% tỷ trọng.

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực trước đà tăng giá vật liệu xây dựng như hiện nay, tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Tuệ Minh (tổng hợp)