Thế giới

Vì sao giá xăng tại Mỹ tăng cao kỷ lục, vượt 30.000 đồng/lít?

Mỹ là quốc gia sản xuất dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ lớn nhất thế giới và cũng là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Giá xăng của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, ngay cả khi điều chỉnh theo lạm phát thì giá xăng vẫn ở mức trung bình hiếm thấy trong vòng 50 năm qua. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình trên toàn quốc đã lần đầu tiên vượt quá 5 USD/gallon (30.717 đồng/lít). 

Trong bối cảnh giá nhiên liệu gia tăng, người tiêu dùng không chỉ chịu tác động trực tiếp khi bơm nhiên liệu tại các trạm mà còn chịu tác động gián tiếp do chi phí vận chuyển cao hơn làm tăng giá tất cả mọi thứ từ thực phẩm đến vật liệu xây dựng. 

Giá xăng cao đang là vấn đề khó khăn mà Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội phải đổi mặt khi họ muốn duy trì quyền kiểm soát tại Quốc hội trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Giá dầu nguyên liệu tăng cao

Yếu tố lớn thúc đẩy giá xăng tăng kỷ lục hiện nay là giá dầu thô ở mức cao, bởi xăng là một trong những thành phẩm của quá trình chưng cất dầu mỏ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), chi phí nguyên liệu thô chiếm tới 60% giá của một gallon xăng thông thường tính đến tháng 4 vừa qua. Con số này cao hơn so với mức 52% cùng thời điểm một năm trước và mức chỉ 25% vào tháng 4/2020 - khi đại dịch làm giảm nhu cầu về nhiên liệu, cùng với hầu hết các mặt hàng khác.

Giá xăng là kết quả của hoạt động giao dịch diễn ra trên thị trường quốc tế rộng lớn đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ. Tương tự như nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế toàn cầu, nó phụ thuộc vào cung và cầu - và khi sự cân bằng giữa hai lực lượng đó bị phá vỡ, chi phí sẽ tăng lên. 

Dầu đắt hơn dẫn tới giá xăng cũng tăng theo. Mỹ là quốc gia sản xuất dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu lớn, đặc biệt sang châu Mỹ Latinh và châu Âu. Mặt khác, Mỹ cũng mua nhiều dầu từ các nước khác, là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Theo hãng tin Washington Post, Mỹ có nguồn tài nguyên dầu nhẹ dồi dào, phần lớn dầu hiện đang được sản xuất ở nước này là dầu nhẹ. Nhiều nhà máy lọc dầu ở Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ (Gulf Coast) hay vùng Trung tây (Midwest) được thiết kế để chế biến dầu nặng từ Canada, Venezuela và Mexico. 

Việc thay đổi cấu hình các nhà máy để chế biến thêm dầu Mỹ là tốn kém và không dễ dàng. Do đó, Mỹ tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn ngay cả khi sản xuất trong nước nhiều hơn. 

Người dân bơm ô tô tại một trạm xăng Costco, thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ vào ngày 11/5/2021. Ảnh: AFP.

Để so sánh, Nga là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới và chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu. Năm ngoái, Nga chiếm khoảng 8% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ.

Trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine hồi tháng 2, khoảng một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga là sang châu Âu. Theo ước tính của Tổ chức nghiên cứu Bruegel, Liên minh châu Âu (EU) đã chi khoảng 10 tỷ USD mỗi tháng để nhập dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga. 

Kể từ khi diễn ra cuộc xung đột Ukraine, lượng xuất khẩu dầu của Nga đã giảm một phần do các lệnh trừng phạt của EU, Mỹ và các quốc gia khác. Điều này làm giảm nguồn cung toàn cầu và dẫn tới việc tăng giá. 

Trở ngại trong việc nâng sản lượng

Ngay cả trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, giá dầu và xăng đã tăng trong bối cảnh thế giới phục hồi hậu đại dịch. Mọi người trở lại các văn phòng và nhu cầu du lịch phục hồi. 

Các công ty dầu mỏ đã phản ứng chậm với sự phục hồi, trước đó nhiều hãng đã tạm ngừng hoạt động tại giàn khoan dầu và sa thải công nhân khi đại dịch bùng phát mạnh. Giá dầu từng giảm xuống dưới 0 vào giai đoạn ngắn trong năm 2020 do nhu cầu yếu.

Nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng đang gia tăng hiện nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các công ty dầu mỏ trong nước cũng như các nhà sản xuất dầu lớn khác nâng sản lượng. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân bởi các hãng dầu mỏ quan ngại sản lượng quá nhiều có thể khiến giá giảm. Các quốc gia như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không thể nhanh chóng tăng sản lượng đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung dự kiến ​​của Nga. 

Ông Christopher Knittel, nhà kinh tế năng lượng tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết tâm lý lo ngại giá sẽ sụt giảm khiến các giám đốc điều hành do dự về việc khoan các giếng dầu mới và tăng sản xuất. Ngoài ra, chuyên gia Knittel nhận định: “Họ (các giám đốc điều hành trong ngành) cho rằng xe điện sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đồng nghĩa là đến khoảng 10 năm nữa những giếng dầu đó có thể không còn thu được lợi nhuận”.

Ông John Auers, Phó giám đốc điều hành Công ty tư vấn năng lượng Turner Mason, cũng nhận định việc nhiều hãng muốn chuyển sang năng lượng tái tạo đã ảnh hưởng, dẫn tới các nhà máy dầu ngừng hoạt động. 

Khách hàng tại một trạm xăng Chevron, thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, vào ngày 7/3/2022. Ảnh: Bloomberg.

Thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cũng là một nguyên nhân khiến sản lượng sụt giảm trong những năm gần đây. Các công ty đang hướng lợi nhuận cho cổ đông dưới hình thức cổ tức hoặc mua lại cổ phần. 

Theo ghi nhận của hãng tin New York Times, các nhà phân tích cho rằng nếu cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài và sản lượng của Nga sụt giảm, dòng chảy trên thị trường năng lượng về cơ bản có thể bị thay đổi. Theo thời gian, sự thay đổi về dòng chảy của dầu sẽ làm giảm ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu. Cho đến khi nguồn cung được cải thiện hoặc nhu cầu trở nên ổn định hơn, giá xăng tại các trạm bơm có thể vẫn ở mức cao.

Phạm Hà Thanh (theo New York Times, Washington Post)