Xu hướng thị trường

[GenZ nghĩ gì] Vì sao GenZ sẵn sàng nhảy việc - cơn “đau đầu kinh niên” của doanh nghiệp?

Nếu GenZ nhận ra rằng bản thân đã chinh phục được mọi thử thách ở vị trí hiện tại, họ sẵn sàng “dứt áo ra đi” để tìm nơi có cơ hội phát triển bản thân hơn.

Sau thế hệ Millennials (GenY), thì Centennials – GenZ (1997 - 2012) đang là nguồn nhân lực mới tham gia vào lực lượng lao động. Với sự năng động, sáng tạo, và nhìn nhận sự việc đa chiều, GenZ hoàn toàn có thể là nhân tố đột phá cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, GenZ vẫn là luồng gió mới có nhiều sự khác biệt mà các doanh nghiệp, những người quản lý cần thời gian tìm hiểu, để cùng nhau hợp tác trong công việc. 

“Nhảy việc” vì đam mê

Theo Báo cáo vào tháng 10/2021 của CareerBuilder, Mỹ cho thấy, thời gian trung bình mà GenZ gắn bó với một vị trí trong công việc là ngắn nhất trong tất cả các thế hệ.

Khi giải thích về điều này cùng Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Hải, Chuyên gia định hướng và phát triển nghề nghiệp cho biết, mức độ tham vọng sự nghiệp của GenZ là rất cao và sinh ra trong thời đại công nghệ nên luôn gắn liền với chữ “nhanh".

Theo ông, GenZ “vào đời” với muôn vàn cánh cửa nghề nghiệp mở ra, một thế giới phẳng và mọi thứ đều có thể hội nhập. Thêm vào đó, GenZ học và tiếp thu mọi thứ rất nhanh từ môn học mới, kỹ năng mới, cho tới ngành nghề mới bởi có nhiều sự giúp sức từ công nghệ. Do đó, các bạn trẻ hiện đại luôn hứng thú với những thử thách mới. 

Nếu GenZ nhận ra rằng bản thân đã chinh phục được mọi khó khăn ở vị trí hiện tại, thì họ sẵn sàng “dứt áo ra đi” để tìm nơi có nhiều thử thách để phát triển bản thân của mình. 

Ông Nguyễn Đức Hải, Chuyên gia định hướng và phát triển nghề nghiệp

Để có góc nhìn thực tế, là một GenZer, bạn Trần Bích Ngọc (sinh năm 1997), hiện đang làm việc cho một công ty agency tại Hà Nội. Bản thân Ngọc đã có ba lần thay đổi công việc trong hai năm gần đây, chia sẻ với Người Đưa Tin rằng: “Đối với người trẻ, nhảy việc không phải điều xấu, thậm chí là tốt nên dù có khó khăn sau mỗi lần thay đổi công việc, GenZ vẫn có xu hướng này”.

Bởi lao động thế hệ Z là tầm tuổi mới ra trường hoặc vẫn còn là sinh viên, vậy nên việc thay đổi công việc sẽ giúp các bạn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau, từ đó tích luỹ kinh nghiệm cũng như kỹ năng thực tế trong công việc - điều còn thiếu khi ngồi trên ghế giảng đường.

“Nhảy việc" được chia thành hai loại: vẫn làm ở vị trí, chuyên môn tương tự nhưng ở một công ty khác và chuyển hẳn ngành làm việc. Như Ngọc, học chuyên ngành Sư phạm Anh nhưng công việc khiến bạn muốn gắn bó là truyền thông.

Chia sẻ thêm về điều này, Ngọc nhận thấy khi còn là học sinh THPT, việc hướng nghiệp chưa thực sự được chú trọng, dẫn đến tình trạng đã vào Đại học rồi, các bạn mới nhận ra mình không phù hợp với chuyên ngành đã chọn. Từ đó, lại mất thêm thời gian để loay hoay thử và thay đổi ngành nghề là điều khó tránh khỏi. 

Song, lí do khác được Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1998), nhân viên kinh doanh bày tỏ, đôi khi nộp hồ sơ vào vị trí tương tự ở một công ty khác cũng là cách tự kiểm tra xem liệu bản thân có đang phát triển thực sự hay không. Nếu công ty khác có hứng thú với bạn thì bạn sẽ định hình được giá trị bản thân đang ở mức độ nào, ngược lại, nếu chẳng thể qua được hết các vòng tuyển dụng, cần xem xét lại bản thân.

Điều gì giữ cho GenZ không “quay xe”?

Bên cạnh vấn đề về lương, cơ sở vật chất, đồng nghiệp,... phúc lợi mà GenZ quan tâm nhất khi tìm hiểu về công ty hay tổ chức, chính là hành trình phát triển sự nghiệp và học hỏi được gì khi đồng hành cùng công ty. 

Điều này cũng bắt nguồn từ chính khao khát phát triển bản thân trong sự nghiệp của người trẻ hiện đại, ông Đức Hải đúc kết sau nhiều lần tư vấn và quan sát “đích đến" khi GenZ lựa chọn một công việc.

Sinh ra trong thời đại công nghệ nên GenZ luôn gắn liền với chữ “nhanh" và khao khát sự học hỏi những điều mới trong công việc

Tham vọng trong công việc cũng lý giải vì sao các GenZ lại thường bị thu hút bởi môi trường Startup hay doanh nghiệp nước ngoài đầy thử thách và mang tính cọ xát với thực tế cao. 

“Đây là một tín hiệu tích cực với thế hệ lao động này", ông nhấn mạnh. Theo đó, doanh nghiệp hay những nhà quản lý nhân sự khi đã nhìn nhận được “động cơ" chuyển việc của các bạn, thì sẽ cần có những sự thay đổi thích hợp, không coi đây là một vấn đề về lòng trung thành, như vậy mới có thể nắm bắt thị trường, cũng như phát huy những ưu điểm của thế hệ này.

Khi được hỏi về những yếu tố sẽ làm gia tăng độ gắn bó của bạn với công ty là gì, Ngọc và Nam đều đưa ra một điểm chung đáng chú ý, đó là người leader/ mentor (tạm dịch: người dẫn dắt/ quản lý).

Gạt vấn đề về chuyên môn sang một bên, các bạn cho rằng sự chung thuỷ với một công việc nào đó, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dẫn dắt của người quản lý. Theo đó, người quản lý mà GenZ luôn mong muốn là một người có thể khiến họ “tâm phục, khẩu phục", biết khai phá tiềm năng trong họ, chứ không phải chỉ đạo hay áp đặt.

GenZ luôn muốn hướng tới sự bình đẳng trong công việc và đặc biệt có quan điểm riêng. Vậy nên, họ ưa thích việc xây dựng các mối quan hệ là đồng nghiệp hơn là sự phân tầng trong xã hội.

Mặt khác, lãnh đạo với tư duy cũ, thường khá ngại việc khen ngợi cấp dưới. Tuy nhiên, sự công nhận đối với GenZ không chỉ là công nhận về kết quả và những nỗ lực mà họ đã tạo ra, đây còn là sự lắng nghe của doanh nghiệp.

Như vậy sẽ khiến cho GenZ cảm thấy được thúc đẩy tinh thần làm việc và cho họ cảm giác được tôn trọng khi đóng góp ý kiến, giải pháp cho công việc của mình.