Tiêu điểm thế giới

Vì sao đang "hừng hực khí thế" chống Nga, NATO lại bất ngờ "Nam tiến" tìm về Brazil?

Việc Tổng thống Trump ủng hộ Brazil gia nhập NATO đã khiến nhiều người cảm thấy sốc. Nếu trở thành sự thật, liên minh quân sự này sẽ không thể "chống Nga" như xưa.

Tổng thống Trump có thể muốn lấy lòng nhà lãnh đạo Brazil bằng lời ủng hộ gia nhập NATO.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể mở rộng về phía Nam - đến tận Brazil. Nếu điều này trở thành sự thật, NATO sẽ có một cuộc chuyển mình chưa từng có.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một trong những nhà lãnh đạo có lập trường độc lập trên thế giới đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump cách đây vài ngày. Trước sự ngạc nhiên của gần như tất cả mọi người, ông Trump tuyên bố ủng hộ tư cách thành viên NATO hoặc một số liên minh chính thức khác với Brazil .

Đây có thể chỉ một câu nói mang tính chất xã giao của ông Trump với mục đích lấy lòng nhà lãnh đạo đến từ đất nước Nam Mỹ. Tuy nhiên, ý nghĩa của câu nói cũng mang đến những suy nghĩ đối với nhiều người.

Trên thực tế, việc Brazil gia nhập NATO sẽ không phải chuyện đơn giản và nó cần một cam kết cực kỳ quan trọng với quốc gia thành viên mới. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Brazil gia nhập NATO?

Theo tờ Strategic Culture, từ quan điểm tư tưởng, việc Brazil gia nhập tổ chức an ninh này sẽ làm thay đổi căn bản mục đích và ý nghĩa của nó. NATO được thành lập vào thời điểm khi chiến thắng của phe Đồng minh trong Thế chiến II bắt đầu phai mờ và các quốc gia bắt đầu lo ngại rằng họ không còn một phương tiện nào để ngăn chặn đà phát triển rất mạnh của Liên Xô ở châu Âu.

Xoay ngược thời gian cách đây thập kỷ, nước Nga chưa bao giờ được phép trở thành thành viên NATO và gần như sẽ không bao giờ có viễn cảnh đó xảy ra. Theo các nhà phân tích, NATO đơn giản là một liên minh chống Nga. Điều này tốt hay xấu là tùy thuộc vào mỗi người nhìn nhận nhưng thực tế tổ chức quân sự này được sinh ra cho mục đích như vậy và tiếp tục tồn tại đến ngày nay cũng chỉ vì điều đó.

Cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh năm ngoái không phải ngẫu nhiên lại được thực hiện ở sát cạnh biên giới Nga và ngầm ám chỉ Nga là “người xấu”.

NATO là lực lượng vũ trang đồng minh mà người Nga gọi là “Golden Billion” – với ý nghĩa rằng, tổ chức này toàn dành cho các quốc gia lắm tiền nhiều của. Điều này ngụ ý khoảng một tỷ người sống ở Mỹ/Canada + EU, về cơ bản là các quốc gia phương Tây giàu có.

Nếu nhìn vào bản đồ của Châu Âu, bên cạnh một Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay sát lục địa, người ta có thể thấy một cách rất rõ ràng rằng: NATO là đội quân “thuần phương Tây”.

Vậy làm thế nào để một thành viên Brazil (nếu xảy ra) thay đổi được hai động lực này?

Brazil và Mỹ Latinh không thể kiếm được bất cứ lợi ích gì từ NATO khi tham gia đối đầu với người Nga như mục đích mà tổ chức này hướng tới.

Nga cũng ở rất xa đến nỗi những lo ngại về một cuộc “xâm lược” đến tận Brazil (như người phương Tây hay tuyên truyền rằng Nga có ý định đánh chiếm các nước Đông Âu) có lẽ là điều điên rồ chưa từng có.

Một khi "người ngoài" bước vào, NATO sẽ không còn là tổ chức của phương Tây.

Ngoài ra, kể cả trong trường hợp muốn thực hiện ngăn chặn người Nga, chính xác thì Brazil có thể làm được gì? Họ không có căn cứ ở châu Âu và không có cách nào để chống lại một cuộc xung đột liên lục địa? Brazil có thể góp phần chống lại Nga hay không? Câu trả lời là không.

Nếu Brazil và Mỹ Latinh bắt đầu tham gia NATO, điều này có nghĩa là trọng tâm của NATO sẽ không còn là một tổ chức chống Nga như mục đích ban đầu của phương Tây, mà sẽ trở thành một thứ gì đó có trọng tâm rộng lớn hơn nhiều.

Trớ trêu thay, nếu NATO chấp nhận thực hiện một sự thay đổi lớn về mục đích tồn tại như vậy thì có lẽ Nga đã tự nguyện tham gia vào tổ chức này từ những năm 90.

Ngoài ra, việc mở rộng tổ chức an ninh vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia “Golden Billion”, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, chắc chắn sẽ phá vỡ hình tượng của các quốc gia phương Tây, khi họ vốn tự nhận mình là vị thế “cửa trên” so với các quốc gia Nam Mỹ.

Để kết luận, cần phải nhìn nhận rằng đây cũng có thể là một động thái để tạo ra kế hoạch “pháo đài Mỹ” của ông Trump, với mục đích chuyển ảnh hưởng của Mỹ sang Mỹ Latinh. Nếu như kế hoạch này là sự thật, thì việc NATO “Nam tiến” có ý nghĩa hoàn hảo.

Từ quan điểm kinh doanh nếu ông Trump thực sự sẽ buộc các quốc gia thành viên NATO phải trả thêm tiền cho các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ của họ, thì đây có thể là động thái mở rộng kinh doanh của ông Trump sang các thị trường mới.

Tuy nhiên, một khi NATO quyết định đi về phía Nam thì tổ chức này sẽ không bao giờ có thể quay đầu trở lại. Trong trường hợp tiếp nhận thành viên mới tại châu lục mới thì về cơ bản ý nghĩa của liên minh quân sự lâu đời nhất trong lịch sử sẽ bị thay đổi.

Người Mỹ Latinh chẳng liên quan gì đến hiềm khích với Nga và không ai ở đó quan tâm từ đến việc đưa quân để bảo vệ phương Tây. Và như vậy, tổ chức quân sự của phương Tây sẽ không còn là của phương Tây nữa.