Sự kiện

Vì sao dẫn tới xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ?

Tại tọa đàm trực tuyến, với chủ đề “Nhận diện cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ” Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: “Grab là kinh doanh vận tải” đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tại buổi toạ đàm ông Khuất Việt Hùng cùng với các chuyên gia đã đi sâu vào các khía cạnh để phân tích “cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ” nhận diện đúng bản chất đâu là loại hình vận tải taxi nhằm “cởi trói” cho dịch vụ vận tải taxi, tăng cường ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0.

Ông Khuất Việt Hùng (ở giữa ảnh) nhận định về Grab.

Nhìn nhận về Grab, Chuyên gia giao thông Ngô Trí Long cho rằng: “Grab là 1 lĩnh vực mới, mô hình mới nên không thể đảo ngược xu thế. Trong mô hình kinh tế mới, thường thường nó mâu thuẫn với mô hình kinh doanh truyền thống vì nó hiệu quả hơn, tốt hơn, đây là 1 quy luật.

Đồng thời, khi mô hình kinh doanh vận tải mới xuất hiện sẽ có mặt trái và đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải tạo điều kiện, phải làm sao để hạn chế khắc phục mặt trái không tốt, để phát huy các mặt tốt. Chính phủ đã giảm bớt điều kiện kinh doanh, lấy lợi ích cộng đồng làm đầu. Mô hình kinh doanh như Grab nhà nước phải thu được thuế đảm bảo được sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Đáp lại những chia sẻ của chuyên gia Ngô Trí Long về vấn đề an sinh xã hội, tài xế Nguyễn Thế Thiện (người từng là tài xế Grab) cho biết, người tài xế vận tải lĩnh vực nào thì đối xử với khách hàng đều phụ thuộc trình độ văn hóa của họ. Khi chúng tôi kết nối công nghệ Grab nói riêng và công nghệ vận tải hiện đại nói chung, đều phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật”.

Chuyên gia Ngô Trí Long.

“Chúng tôi phải viết cam kết trở thành tài xế của Grab trong đó có cả lý lịch tư pháp, nhân thân của mình, các điều kiện để có thể trở thành người cầm vô lăng,.. Nhưng ít người hiểu được có bao nhiêu phần trăm tài xế đang mang nợ vì phải vay mượn để mua xe”, tài xế Thiện chia sẻ.

Phản biện về những nhận định Grab không phải là taxi, ông Khuất Việt Hùng khẳng định: “Grab là kinh doanh vận tải. Đối với những người đi làm ở tuổi 18 thì hợp đồng của nhà đầu tư là thỏa thuận đi đến thống nhất để những người đó đi làm”.

“Hiện nay, vẫn còn nhiều tài xế có nhận thức chưa đúng đắn khi lái xe, có rất nhiều người say rượu nhưng vẫn cố tình lái xe rồi gây tai nạn. Khi xảy ra xung đột xã hội, chúng ta cần có trách nhiệm pháp lý thì ai đứng ra?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Nói về trách nhiệm của Grab khi để xảy ra những xung đột, tranh chấp, ông Hùng chia sẻ: “Ngày 6/9, tôi có làm diễn đàn nhỏ, trong đó có 44 người cho rằng gọi xe bằng Grab thì tin rằng mua dịch vụ Grab phải đảm bảo an toàn và có 1 người chọn dịch vụ do lái xe cung cấp. Tôi muốn thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải giữa quan hệ người bán và người mua, khi tôi mua hàng xịn hay hàng giả, nếu hàng giả phải kiện. Vì gọi Grab nên Grab đưa đến, ở đây Grab phải chịu trách nhiệm, chứ không phải người tài xế. Tôi hay lấy ví dụ Grab giống như siêu thị, chứ không phải chợ truyền thống”.

Cũng tại buổi toạ đàm, luật sư Trương Anh Tú chia sẻ: “Trong dân gian có câu “con dại cái mang”, tại Bộ luật Dân sự có quy định rất rõ là pháp nhân phải chịu trách nhiệm do người của pháp nhân gây ra. Tôi từ đầu đến cuối vẫn bảo vệ quan điểm tài xế là người lao động, công ty Grab là quản lý lao động, là công ty sử dụng lao động cho nên là pháp nhân phải chịu trách nhiệm do lao động của mình gây ra. Tại điều 8 của luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nói rằng bên cung cấp dịch vụ hàng hóa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng”.

Luật sư Trương Anh Tú

Theo Luật sư Trương Anh Tú: "Với tư cách là người tiêu dùng tôi lo lắng đến ngày nào đó taxi truyền thống không còn tồn tại, Khi đó giá của taxi công nghệ có còn được rẻ như khi họ đang tuyên bố là lỗ để phục vụ người dân hay không? Tôi thấy kinh ngạc người Việt luôn đề phòng cái mới nhưng thời gian gần đây chúng ta đã thay đổi, ủng hộ cái mới".

Đáp lại những chia sẻ của luật sư Trương Anh Tú, ông Hùng tiếp tục cho rằng: “Nếu lấy mặt bằng làm theo quyết định 24. Theo quyết định này, chúng ta quy định các nguồn đóng thuế. Việc tăng giá chúng tôi rất đồng tình, khi quản taxi, pháp luật quy định kê khai giá như taxi, xe khách tuyến cố định, còn lại xe kinh doanh hợp đồng không kê khai giá và giá này là thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên”.

“Vì vậy, dẫn đến câu chuyện giờ cao điểm họ tăng lên nếu đồng ý thì đi không thì thôi. Như vậy, nó khác nền tảng hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, khác với hợp đồng với taxi truyền thống. Tuy nhiên, bản chất vận tải là hợp đồng taxi hết, nhiều hãng taxi của Hà Nội cũng có thể thỏa thuận luôn đóng đồng hồ với khách hàng”, ông Hùng nói.