Gia đình

Vì sao có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là câu thành ngữ đã đi vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Vì sao lại có thành ngữ trên.

Với người Việt, Tết luôn là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây sẽ là khoảng thời gian để cả gia đình trở về quây quần bên nhau, cùng chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, tống cựu nghênh tân. Bên cạnh đó, Tết còn là dịp mọi người thăm viếng những người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.

Về câu “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, theo chuyên gia văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết: Các sách sưu tầm đều chỉ ghi: “Mùng 1 Tết cha, mùng 3 Tết thầy”, chứ không có đoạn “mùng 2 Tết mẹ”.

Vì sao có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”.

Giới nghiên cứu văn hoá dân gian nghiêng về phía cho rằng câu có cả ba vế là dân gian mới, được nảy sinh do cách cấu tạo tục ngữ theo kiểu nói kéo theo, bắt xắp, dài ra cho có vần vè. Kiểu này trong thành ngữ tục ngữ rất thường thấy.

Từ khi nói kéo theo mồng 2 Tết mẹ thì người ta lại tìm cách giải thích: Cha là bên nội, mẹ là bên ngoại cho hữu lý. Tức là mùng 1 thì chúc Tết bên nội, mùng 2 thì về nhà ngoại thăm hỏi, chúc tụng.

Và từ cách nói đó, sau này người ta thấy hợp lý và hành động theo, thành ra tập quán mới. Tục ngữ là phương châm ứng xử và ứng xử trong câu tục ngữ: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” rất nên trong xã hội ngày nay.

Nói về mùng 1 Tết cha, cụ Phan Kế Bính (đỗ cử nhân Hán học năm 1906, là nhà báo vừa có cựu học, vừa có có tinh thần duy tân) đã ghi lại chuyện về mùng 1 Tết. Cụ viết rằng "sáng mùng 1 thì làm cỗ cúng gia tiên… Cúng xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào gọi là tiền mừng tuổi… (sách Việt Nam phong tục, 1915). Cúng gia tiên thì chắc chắn là cúng bên nội, nhà cha, theo phong tục xưa. Đó đích thị là mùng 1 Tết cha vậy.

Mùng 3 Tết đi thăm thầy cô giáo.

Chuyện mùng 3 Tết thầy liên quan đến tôn sư trọng đạo. Ngày xưa thầy đồ dạy học đa số không có chuyện biên chế hay giáo chức ăn lương nhà nước như bây giờ, trừ trường hợp đặc biệt do triều đình lập ra. Người học trước thông chữ hoặc đỗ đạt dạy cho người học sau. Học trò muốn học thì kiếm buồng cau xin nhập môn và lạy thầy hai lạy. Đủ học trò, thầy chọn ngày tế thánh rồi mở lớp. Học hết chữ thầy này, nếu muốn theo đòi bút nghiên, trò lại tìm thầy nhiều chữ hơn để học lên.

Thu nhập của các thầy đồ là quà cáp của phụ huynh. Có sách xưa đã viết, lúc học có năm ngày Tết, như Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan dương, Tết Trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy.

Đạo lý thầy trò ngày xưa rất trọng, thầy được coi trọng như cha. Nhà thầy có việc hiếu hỉ, thì trò thông qua trưởng tràng, giám tràng (cán bộ lớp), chăm lo như việc của chính nhà mình. Khi thầy quy tiên, học trò cũng để tang ba năm, có điều không phải tang phục, tang chế đầy đủ. Để tang trong bụng gọi là tâm tang. Học trò thành đạt thường giúp đỡ thầy trong cuộc sống. Nhà thầy không có con trai nối dõi cúng tế thì trò phải cúng tế cho đến hết đời mình. Người xưa chọn "mùng 3 Tết thầy" là theo cái đạo nghĩa đó.

Phong Linh (tổng hợp)