Đời sống

Vì sao Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ phiên từ 1/3?

Từ 1/3 Bệnh viện Việt Đức sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu, hạn chế mổ phiên.

Tối 23/2, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức (Tp. Hà Nội) cho biết tới đây bệnh viện này sẽ phải hạn chế mổ phiên do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất.

Cụ thể, tại tọa đàm "Ngành y vượt khó" diễn ra sáng cùng ngày, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa. "Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ hóa chất, vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động”, ông nói.

Theo ông Giang, ngay cả hóa chất xét nghiệm công thức máu tại Bệnh viện Việt Đức cũng chỉ đủ dùng trong 1 tuần. Số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...

Bệnh viện cho biết thời gian qua đã tích cực thực hiện các thủ tục đấu thầu vật tư, hóa chất..., tuy nhiên gặp vướng mắc chưa thực hiện được trong khi vật tư tồn kho sắp cạn kiệt.

Để đảm bảo hoạt động, từ 1/3 Bệnh viện Việt Đức sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu, hạn chế mổ phiên. Song song đó là ưu tiên các ca mổ cấp cứu.

Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu.

Trao đổi với báo Người Lao Động, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết nếu thuận lợi trong việc mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất trong thời gian tới thì sớm nhất cũng mất khoảng 1 tháng, việc mổ phiên tại bệnh viện này mới có thể trở lại bình thường.

Hiện nay tình hình thiếu thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra khắp nơi và các bệnh viện đều đang cần "cấp cứu". Chiều muộn 23/2, Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với đơn vị chức năng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy...

Tại cuộc họp, hai vấn đề đặt ra nhiều nhất là mua sắm vật tư hóa chất khi bệnh viện nào cũng đang bị đe dọa hết vật tư phục vụ người bệnh và việc bảo hiểm y tế sẽ ngưng chi trả phí xét nghiệm, chụp chiếu sử dụng máy đặt, mượn nhưng hợp đồng ký sau ngày 5/11/2022.

Hiện tại các bệnh viện chưa có bất kỳ nguồn tài chính nào để đầu tư thiết bị, trong khi hầu hết thiết bị xét nghiệm, một số máy chụp chiếu được đặt, mượn. Nếu 5/11/2023 bảo hiểm ngưng chi trả hoàn toàn chi phí sử dụng thiết bị này trong khi chưa có thiết bị mới, các bệnh viện và bệnh nhân sẽ rất khó khăn.

Bộ Y tế cũng cho biết đang tích cực cùng bệnh viện tháo gỡ vướng mắc. Ngay trong tuần này, bộ sẽ báo cáo Chính phủ để tìm các giải pháp gỡ rối vướng mắc từ nghị quyết 144, thông tư 68/2022...

Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y tế, trung tâm ngoại khoa hàng đầu khu vực phía Bắc. Trong năm 2022, bệnh viện này đã thực hiện gần 80.000 ca mổ. Cùng đó, mỗi ngày bệnh viện có hàng ngàn bệnh nhân đến khám, điều trị, chờ phẫu thuật...

Minh Hoa (t/h)