Sức khỏe

"Vì sao bác sĩ nằm liệt giường vẫn được tiếp tục hành nghề?"

Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu dự hội nghị tổng kết 9 năm thi hành luật khám chữa bệnh được tổ chức tại TP.HCM. Từ đó, nhiều kiến nghị sửa đổi được đề xuất nhằm giúp ngành y tế phát triển hơn, tạo thuận lợi cho người hành nghề y, cho người bệnh...

Video: Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành luật Khám chữa bệnh do bộ Y tế tổ chức

Sáng ngày 29/7, tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành luật Khám chữa bệnh do bộ Y tế tổ chức, vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề y nói riêng, cũng như vấn đề liên quan luật Khám chữa bệnh sửa đổi sắp tới được các đại biểu đặc biệt quan tâm.           

Tại hội nghị, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc sở Y tế Bình Định thẳng thắn đề xuất nên cấp chứng chỉ hành nghề y có thời hạn. Bởi hiện nay do tình trạng cấp chứng chỉ hành nghề không thời hạn nên nhiều người nằm liệt giường vẫn tiếp tục hành nghề (hành nghề ở đây là cho người khác đứng tên trên giấy tờ - PV). Từ đó, khó khăn trong việc thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Đồng thời, ông Hùng cũng đề xuất nên cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn ít nhất 5 năm và có độ tuổi nhất định.

Các đại biểu dự hội nghị tại TP.HCM.

Đại diện sở Y tế TP.HCM cũng góp ý: “Điểm bất cập hiện nay là cấp chứng chỉ hành nghề không có thời hạn. Do đó không quản lý được năng lực hành nghề của người được cấp, đồng thời có hiện tượng cho thuê chứng chỉ hành nghề khó kiểm soát”.

Còn theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết, cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay rất cần thiết, ông cho rằng, bác sĩ muốn hành nghề cần phải thi chứng chỉ, thậm chí cần tổ chức thi qua nhiều vòng để có sự sàng lọc, đảm bảo trình độ chuyên môn của bác sĩ.

Cũng theo ông Thượng, luật Khám chữa bệnh cần ban hành cho mọi người hành nghề trên đất nước Việt Nam. Các bác sĩ ở nước ngoài được phép vào nước ta hành nghề phải tuân theo quy định, pháp luật Việt Nam, đều phải thi kiểm chứng năng lực.

Cũng theo ông Thượng, thời gian qua, sở Y tế TP.HCM từng thanh tra xử lý nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm luật Khám chữa bệnh, nhưng sau khi xử lý xong, họ lại thành lập cơ sở mới hành nghề y như cũ.  Đồng thời, sở Y tế TP.HCM cũng trông chờ vào luật sửa đổi sắp tới, có nhiều thay đổi sẽ giúp giảm tải tình hình khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM.

Đại diện bộ Y tế cho rằng, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay, điều kiện bất cập nhất được nhiều bệnh viện phản ánh là lý lịch tư pháp, để làm được lý lịch tư pháp mất ít nhất 1-3 tháng. Hiện nay, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề y của Việt Nam cũng khác so với quốc tế là Việt Nam cấp phép hoàn toàn dựa trên hồ sơ, chưa đảm bảo được tính khách quan và đảm bảo chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực khám chữa bệnh, các văn bằng chứng chỉ không dựa trên việc đánh giá năng lực thông qua kỳ thi quốc gia để cấp phép như nhiều nước đang thực hiện.

Do đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề y cần được thay đổi, cần phải quy định có thời hạn cụ thể, và phải trải qua thi chứng chỉ. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề xuất sửa đổi trong luật khám chữa bệnh sắp tới.