Hồ sơ điều tra

Vì sao bà Diệp Thảo lại đổi ý muốn tòa xử công khai vụ án ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ?

Trước phiên tòa xét xử phúc thẩm lần 1, bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu xét xử kín, nhưng sau đó chính bà Thảo lại có đơn đề nghị tòa xét xử công khai.

Ngày 12/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho biết, tòa vừa nhận được đơn đề nghị mở phiên tòa xét xử công khai của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên).

Theo đơn bà Thảo ký ngày hôm qua (11/11) gửi đến tòa cấp cao, bà Thảo cho biết tòa đã chấp nhận yêu cầu xử kín của bà và đã hai lần mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Dù xử kín nhưng có một số thông tin đăng tải các báo đài thiếu chính xác, ảnh hưởng tới tình cảm của các con đối với cha mẹ.

Để đảm bảo các thông tin được chính xác, bà Thảo đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử công khai, tạo điều kiện cho gia đình bà có cơ hội hàn gắn lại.

Theo tòa cấp cao, việc đề nghị là của đương sự, còn việc có chấp nhận hay không thì do HĐXX quyết định. 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa sơ thẩm.

Bà Thảo là nguyên đơn trong vụ án ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Trước đó, chính bà Thảo có đơn xin xét xử kín phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn của vợ chồng bà.

Trong phần thủ tục phiên xử phúc thẩm ngày 18/9 mới đây, thẩm phán Nguyễn Hữu Ba (chủ tọa phiên xử phúc thẩm) cũng thông báo, bà Thảo có đơn đề nghị xét xử kín vụ án, vì cho rằng nội dung việc tranh chấp ly hôn liên quan đến bí mật gia đình, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh và ảnh hưởng đến cuộc sống các con.

Về yêu cầu này, tòa quyết định phiên tòa sẽ xử kín theo yêu cầu của bà Thảo để đảm bảo quyền cá nhân, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh. Chủ tọa thông báo các phóng viên, báo đài chỉ được tác nghiệp khi HĐXX tuyên án.

Tiếp đến, tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 vào ngày 29/10, TAND cấp cao tại TP.HCM thông báo tiếp tục hoãn xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Lý do được chủ tọa thông báo là trước phiên xử phúc thẩm diễn ra ít giờ, bà Thảo có đơn xin hoãn xử vì lý do bà đang phải điều trị bệnh tại nước ngoài vào 28/10.

HĐXX cho rằng trường hợp của bà Thảo bị bệnh, phải nằm viện là do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, thuộc trường hợp theo khoản 3 điều 296 bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nên cần hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Thảo. 

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm thông báo đề nghị bà Thảo phải có mặt trong ngày xử tới, nếu không HĐXX sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Thảo.

Bà Thảo và ông Vũ kết hôn hơn 20 năm trước, có bốn con. Sau thời  mâu thuẫn, năm 2015 bà Thảo đệ đơn ra tòa xin ly hôn.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm kéo dài từ ngày 20 – 27/3, TAND TP.HCM đã tuyên cho ông Vũ và bà Thảo được ly hôn, 4 con chung do bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tài sản chung được chia theo tỷ lệ 60:40 nghiêng phần hơn về phía ông Vũ.

Về tài sản, cấp sơ thẩm cho rằng, ông Vũ là người sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên, là người có công lớn trong việc thành lập Trung Nguyên, từ một doanh nghiệp đơn lẻ trở thành 1 doanh nghiệp hàng đầu, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại nhiều địa phương.

Xét thực tế, cần thiết giao cổ phần bà Thảo và ông Vũ trong Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý. Ông Vũ thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo, đồng thời, phải tạo điều kiện cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới.

Xét ông Vũ có công sức đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên, nhưng cũng xét công sức nuôi con và các đóng góp khác cho Trung Nguyên, để chia tài sản theo tỷ lệ ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo được hưởng 40% là phù hợp.

Tuy nhiên, để không gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, tòa tuyên bà Thảo giao toàn bộ cổ phần cho ông Vũ sở hữu, còn ông Vũ trả cho bà Thảo bằng tiền tương đương với giá trị cổ phần.

Tài sản là cổ phần của ông Vũ và bà Thảo hiện đang sở hữu tại Trung Nguyên có giá trị hơn 5.700 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phần này tòa tuyên ông Vũ được quyền nắm giữ. Còn bà Thảo sở hữu số tiền đang quản lý là gần 1.700 tỷ.

Tổng cộng tài sản chung của vợ chồng ông Vũ sau khi trừ đi hàng chục bất động sản là hơn 7.000 tỷ. Nếu chia theo tỷ lệ 60:40 nghiêng về phía ông Vũ thì bà Thảo hiện đang sở hữu hơn 3.600 tỷ, ông Vũ hơn 4.800 tỷ.

Khấu trừ, số tiền chênh lệch là hơn 1.200 tỷ. Số tiền chênh lệch này, ông Vũ phải có trách nhiệm thanh toán lại cho bà Thảo.

Ngoài ra tòa giao ông Vũ được quản lý tài sản đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ. Bà Thảo được giao quản lý 7 bất động sản trị giá 375 tỷ.

9 ngày sau khi bản án được tuyên, bà Thảo nộp đơn kháng cáo lên TAND TP.HCM để kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bởi bà cho rằng, bản án tòa tuyên không công bằng, bà không đồng ý chia tài sản theo tỷ lệ 60:40 và không đồng ý việc tòa giao quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ.

Ngoài ra, bà Thảo còn kháng cáo về phần quan hệ hôn nhân, xin được đoàn tụ với ông Vũ.

Ông Vũ cũng kháng cáo yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% như quan điểm trình bày ở tòa trước đó.

Ngoài ra, VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.