Sự kiện

Vì sao 2 Phó Giáo sư của ĐH Luật TP.HCM xin từ chức?

Cho rằng môi trường sư phạm tại Đại học Luật TP.HCM chưa trong sạch mà bản thân đã nỗ lực thay đổi không thành, 2 Phó giáo sư của trường đại học này đã làm đơn xin từ chức.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, hai Phó giáo sư (PGS) của Đại học Luật TP.HCM cừa làm đơn từ chức. Đó là PGS.TS Phan Nhật Thanh (Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính) và PGS.TS Nguyễn Thị Thủy (Phó trưởng Khoa phụ trách khoa Quản trị Luật). 

Theo đơn, thời gian gần đây, sự bất ổn của Trường, sự chia rẽ trong Khoa Luật Hành chính đã làm cho danh tiếng của Nhà Trường và của Khoa Luật Hành chính bị ảnh hưởng rất lớn.

“Với cương vị của mình, tôi cũng đã hết sức cố gắng nhưng vẫn chưa góp phần làm trong sạch được môi trường sư phạm... Nhìn nhận một cách công tâm, Khoa Luật Hành chính trong 5 năm qua không phát triển gì.. ;Nội bộ khoa mất đoàn kết sâu sắc; những bất công trong thi đua khen thưởng; những tai tiếng về đạo văn, lạm dụng tình dục, hãm hại đồng nghiệp không được giải quyết một cách minh bạch và triệt để… Những câu chuyện xảy ra, với tư cách là Phó Trưởng khoa, tôi cũng đã tham gia góp ý nhưng lực bất tòng tâm" - PGS.TS Phan Nhật Thanh viết.

Trường Đại học Luật TP.HCM.

Theo ông Phan Nhật Thanh, đó là những lý do khiến ông, với lòng tự trọng của một Đảng viên, một nhà giáo, đã làm đơn gửi đến Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường xin từ chức.

Trao đổi với VietNamNet, PGS Nguyễn Thị Thủy xác nhận việc này và cho hay Khoa Quản trị của trường từ khi được thành lập năm 2009 tới nay đã 10 năm vẫn không có trưởng khoa.

Theo bà Thủy, năm 2009 khi được thành lập, TS Vũ Thị Thanh Vân là người phụ trách nhưng vẫn là Phó khoa. 5 năm sau khi hết nhiệm kỳ, trường vẫn bổ nhiệm TS Vũ Thị Thanh Vân làm Phó khoa. Sau đó, TS Vân xin nghỉ vào tháng 5/2015. Tới tháng 8/2016, GS Mai Hồng Quỳ khi đó là Hiệu trưởng đã chỉ định PGS Nguyễn Thị Thủy làm Phó khoa phụ trách (trước đó PGS Thủy là Trưởng bộ môn Tài Chính - Khoa Luật Thương mại).

"Hai năm qua, tôi nghĩ đã là Khoa phải có trưởng khoa và danh phải chính, ngôn phải thuận để mỗi quan hệ trong trường cũng như ngoài trường phải tương xứng. Khi cán bộ giảng viên trong khoa đề nghị lãnh đạo nhà trường bổ nhiệm tôi là trưởng khoa (điều này PGS Thủy không biết) nhưng trường vẫn không thực hiện. Sau đó, tôi lên thì lãnh đạo nhà trường nói rằng tôi không đúng chuyên môn nên không bổ nhiệm làm trưởng khoa. Tôi nghĩ rằng nhà trường nói mình không đúng chuyên môn thì xin nghỉ chức vụ, để nhà trường tìm một trưởng khoa khác"- PGS Thủy cho hay.

Tuy nhiên, sau khi nộp đơn từ chức 3 ngày, PGS Thủy nhận được nhiều tin nhắn nặc danh với lời lẽ xúc phạm rất vô văn hóa, vì vậy bà tạm thời rút đơn. "Tôi đã nói với lãnh đạo nhà trường rằng tôi chỉ tạm thời rút đơn, khi tìm được người phù hợp làm trưởng khoa sẽ nghỉ".

Vẫn theo báo Pháp luật TP.HCM, Ban Giám hiệu Trường ĐH Luật TP.HCM và phòng Tổ chức của trường đã nhận đơn từ chức nói trên nhưng hiện chưa có động thái phản hồi.

Được biết, nhiều cán bộ giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM cũng vừa gửi tâm thư cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị làm rõ và xử lý những vấn đề liên quan đến tình trạng bè cánh, quản trị tài chính và nhiều vấn đề khác của Trường. Hiện Bộ GD&ĐT đang cử đoàn công tác về trường Luật để tìm hiểu xác minh bước đầu trước khi có các động thái mới!

Trước đó, vào tháng 5/2019, bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) bày tỏ mong muốn xin từ chức vào tháng 9 tới.

Bà Nguyễn Thị Yến Trinh là vợ ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Bà Yến Trinh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong vào năm 2014. Bà Trinh bị xác định nằm trong danh sách “cán bộ sở” đi nước ngoài trái quy định. 

Tuy nhiên sau đó nguyện vọng từ chức của bà Trinh đã không được Sở GD-ĐT TP.HCM chấp nhận.

H.Y (tổng hợp)