Sức khỏe

Vi khuẩn lãng quên đe dọa "ăn thịt" hàng chục người

Hàng chục người nhập viện Bạch Mai do nhiễm vi khuẩn whitmore bị lãng quên hàng chục năm nay.

Cách đây hàng chục năm, cái tên Whitmore khiến nhiều người sợ hãi bởi mức độ nguy hiểm của nó đến người không may mắc bệnh.

Những tưởng chúng "lặn mất tăm" nhưng không ngờ trong 1 tháng trở lại đây, whitmore bùng phát khiến 4 bệnh nhân đã tử vong tại bệnh viện Bạch Mai.

Một bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore "ăn"hết 2 cánh mũi. 

Trả lời Vietnamnet, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 10 năm trước đây, bệnh viện mới tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc whitmore, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận tới 20 trường hợp. Riêng tháng 8, có 12 bệnh nhân whitmore nặng do vi khuẩn "ăn" nhiều cơ quan.

Trước đó, bệnh nhân được tuyến dưới chẩn đoán nhiễm trùng do tụ cầu nhưng khi bác sĩ bệnh viện Bạch Mai cấy mủ, phát hiện dương tính với whitmore.

"Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng", PGS Cường thông tin.

Rất may bệnh nhân chỉ tổn thương da ở cánh mũi, chưa tổn thương xương. Sau 2 tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang ăn da non.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất 3 tháng nữa để tránh tái phát vì nếu bị lại, tỉ lệ tử vong rất cao.

PGS.TS Cường nhấn mạnh, khi nhiễm whitmore, thông thường, 40-60% bệnh nhân mắc whitmore sẽ tử vong. Tỉ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn.

Theo các chuyên gia, whitmore do vi khuẩn gram âm B. pseudomallei (hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) gây ra. Khi vào cơ thể, vi khuẩn này sẽ tấn công nhiều cơ quan, dẫn đến suy đa tạng rồi sốc, tử vong.

Ngày 24/8, trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (45 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị hoại tử vùng mông rất nặng.

Tình trạng nghiêm trọng của chị H. sau khi tiêm mỡ tự thân và nghi bị vi khuẩn whitmore tấn công (Ảnh: Vietnamnet)

Theo thông tin từ Zing.vn, người phụ nữ cho hay, cô đã đi bơm silicon lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác vào vùng mông tại một cơ sở thẩm mỹ.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được mổ nạo vét khoảng 2.500cc tổ chức hoại tử và dịch mủ.

Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, cho hay: "Với trường hợp này, điều chắc chắn là mông của bệnh nhân sẽ biến dạng".

Sau đó chị H. đã đến viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, chị H. được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm mỡ tự thân làm đẹp, vết thương xuất hiện 2 vi khuẩn và 1 nấm.

Sau khi chuyển về bệnh viện 108 và được chữa trị 2 tuần, trên mặt chị H. có 4 vết rạch 2cm để thoát mủ.

Không chỉ bị nhiễm tụ cầu, các bác sĩ nghi chị bị nhiễm khuẩn gây bệnh Whitmore với diễn biến phức tạp cùng thời gian chữa trị lâu dài.

Whitmore không phải bệnh mới và hiếm gặp mà bị "bỏ quên" trong cộng đồng. Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936.

Vi khuẩn whitmore thường sống trong bùn đất và nước, lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn, thường bùng phát vào tháng 7, 11.

Chẩn đoán bệnh Whitmore chính xác phải dựa trên các xét nghiệm trong mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu hoặc dịch não tủy.

Căn bệnh này hiện chưa có vaccine phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não.

Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do whitmore cao.

Minh Anh (Tổng hợp)