Thế giới

“Vì hòa bình, Ukraine cần… vũ khí, vũ khí và vũ khí”

Hạn chót tại Severodonetsk (Donbass, miền Đông Ukraine) đã qua. Trong khi Kyiv được cam kết thêm viện trợ quân sự, tên lửa Nga phá hủy kho vũ khí NATO ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/6 cáo buộc các lực lượng Ukraine làm gián đoạn nỗ lực cho phép dân thường sơ tán khỏi nhà máy hóa chất Azot ở ngoại vi thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk. Thành phố trọng điểm miền Đông này là nơi giao tranh ác liệt đã diễn ra trong nhiều tuần qua.

Các lực lượng Nga đang cố gắng giành toàn quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk, một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đẩy lùi các lực lượng của Kyiv ra khỏi 2 khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn là Donetsk và Lugansk, gọi chung là Donbass.

Nga đã tập trung lực lượng tấn công chủ lực ở phía Bắc tỉnh Luhansk và đang cố gắng tấn công đồng thời trên 9 hướng, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny cho biết hôm 15/6.

"Giao tranh khốc liệt để giành quyền kiểm soát khu vực Luhansk vẫn tiếp tục", ông Zaluzhny cho biết trong một bài đăng trực tuyến, đồng thời bổ sung rằng người Nga đang sử dụng máy bay, lựu đạn phóng tên lửa và pháo cho đợt tổng tấn công trên.

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc Luhansk của phía Ukraine, cho biết: "Các cuộc giao tranh ác liệt ở Severodonetsk cũng tiếp tục diễn ra ngày hôm nay (15/6)".

Theo ông Haidai, tình hình tại thành phố thuộc tỉnh Lugansk đang trở nên tồi tệ hơn vì các lực lượng Nga vượt trội hơn họ về quân số và vũ khí.

"Nhưng quân đội của chúng tôi đang kìm chân địch từ 3 phía cùng một lúc", vị quan chức Ukraine bổ sung.

Phần còn lại của những chiếc ô tô nằm dọc theo con đường trong cuộc giao tranh ác liệt tại chiến tuyến ở Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Yahoo!News

Hạn chót đã qua, hàng nghìn người vẫn còn trong nhà máy Azot

Theo phe ly khai thân Nga, có thể có tới 1.200 dân thường vẫn đang trú ẩn trong nhà máy hóa chất Azot rộng lớn thuộc thành phố Severodonetsk.

Hôm 15/6, ông Rodion Miroshnik, một quan chức trong chính quyền Cộng hòa Nhân dân Luhansk (tự xưng), cho biết số lượng binh sĩ Ukraine cố thủ trong nhà máy này lên tới con số 2.000.

Trước đó, hôm 12/6, ông Haidai cho biết, hơn 500 dân thường, bao gồm 40 trẻ em, vẫn ở bên trong nhà máy hóa chất Azot, nhưng không đưa ra con số cụ thể về các binh sĩ.

Moscow cho biết, họ đã mở một hành lang nhân đạo từ nhà máy Azot trong ngày 15/6 để cho phép dân thường sơ tán sang một khu vực gần đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Moscow cáo buộc Quân đội Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn và sử dụng dân thường làm lá chắn, ngăn không cho họ rời đi.

Reuters không thể xác minh tuyên bố trên. Phía Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng họ sử dụng dân thường làm lá chắn.

Trước đó, hôm 14/6, Nga cho biết, họ đã bác bỏ yêu cầu của Ukraine về một hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường đến vùng lãnh thổ do Kyiv kiểm soát, đồng thời ra tối hậu thư cho các binh sĩ Ukraine ẩn náu trong nhà máy Azot "ngừng kháng cự vô nghĩa và hạ vũ khí" từ 8h sáng ngày 15/6, theo giờ Moscow (12h trưa cùng ngày theo giờ Hà Nội).

Yêu cầu đầu hàng có hiệu lực đến 20h ngày 15/6, theo giờ Moscow (24h cùng ngày theo giờ Hà Nội). Tuy nhiên, phía Ukraine đã phớt lờ tối hậu thư, và thời hạn trên đã qua.

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh giữa quân Ukraine và quân Nga tại thành phố Severodonetsk, miền Đông Ukraine, ngày 14/6/2022. Ảnh: CBC News

Tên lửa Nga phá hủy kho vũ khí NATO gần biên giới Ba Lan

Nga hôm 15/6 tuyên bố đã sử dụng tên lửa tầm xa để phá hủy một nhà kho ở vùng Lviv, miền Tây Ukraine, nơi chứa đạn dược dùng cho các vũ khí do NATO cung cấp.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, các lực lượng Nga đã sử dụng tên lửa Kalibr có độ chính xác cao để phá hủy một nhà kho gần thị trấn Zolochiv, gần biên giới với Ba Lan – một thành viên NATO.

Ông Konashenkov cho biết, đạn cho các khẩu lựu pháo M777, loại vũ khí do Mỹ cung cấp, được cất giữ ở nhà kho đó.

Ông cho biết, 4 khẩu lựu pháo đã bị phá hủy ở những nơi khác và các cuộc không kích của Nga cũng phá hủy "thiết bị hàng không" của Ukraine tại một sân bay quân sự ở vùng Mykolaiv, miền Nam Ukraine.

Các quan chức Ukraine không đưa ra bình luận ngay lập tức về vụ tập kích vào Zolochiv.

Trong một diễn biến khác, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 15/6 đã tổng kết thiệt hại của phía Nga.

Theo cơ quan này, từ ngày 24/2 đến ngày 15/6, Nga đã mất 32.750 quân, 1.440 xe tăng, 3.528 xe chiến đấu bọc thép, 722 hệ thống pháo, 230 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), 97 hệ thống pháo phòng không, 213 máy bay chiến đấu, 179 máy bay trực thăng, 2.485 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu, 13 tàu thuyền, 591 máy bay không người lái (UAV), 55 đơn vị thiết bị đặc biệt. Tổng cộng 129 tên lửa hành trình của đối phương đã bị bắn hạ.

Các thiết bị quân sự Ukraine đã nhận được. Thông tin do Al Jazeera tổng hợp từ các nguồn. Đồ họa: Al Jazeera

Mỹ công bố viện trợ quân sự bổ sung 1 tỷ USD cho Ukraine

Mỹ hôm 15/6 đã phê duyệt thêm một khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, trong bối cảnh giao tranh đang tăng nhiệt ở Donbass, miền Đông đất nước.

Gói viện trợ mới nhất này sẽ bao gồm các hệ thống vũ khí chính mà Chính phủ Ukraine đã nhiều lần yêu cầu, cụ thể là các hệ thống lựu pháo 155 mm, bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon và đạn bổ sung cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Mỹ cũng sẽ gửi thêm 225 triệu USD viện trợ nhân đạo để hỗ trợ nước uống, thực phẩm, chỗ ở và các vật dụng thiết yếu khác cho Ukraine.

Nhà Trắng công bố gói viện trợ này ngay trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu cuộc họp tại Brussels với hơn 45 quốc gia để thảo luận về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine.

Cuối ngày 15/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, sau khi nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden, rằng ông "biết ơn" về gói viện trợ vũ khí mới.

“Tôi biết ơn sự hỗ trợ này, nó đặc biệt quan trọng đối với khả năng phòng thủ của chúng tôi ở Donbass”, ông Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 15/6.

Nhà lãnh đạo Ukraine từng thừa nhận đất nước ông đang phải gánh chịu những "tổn thất đau đớn" ở khu vực Donbass, miền Đông, đồng thời lặp lại rằng Ukraine cần vũ khí chống tên lửa hiện đại để bảo vệ lãnh thổ của mình.

“Mỗi ngày tôi đều đấu tranh để Ukraine có được những vũ khí và thiết bị cần thiết”, ông Zelenskyy nói. “Nhưng lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và kỹ năng chiến thuật không thể đi xin được. Và những người hùng Ukraine có những điều đó”.

Theo ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Tổng thống Ukraine, để kết thúc cuộc chiến với Nga, Ukraine cần "1.000 pháo cỡ nòng 155 mm; 300 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS); 500 xe tăng; 2.000 xe bọc thép; 1.000 máy bay không người lái (UAV)".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tại Brussels, Bỉ, ngày 15/6/2022. Ảnh: The Drive

Ngoài Mỹ, Canada hứa sẽ cấp cho Ukraine 10 hệ thống nòng thay thế cho pháo lựu M777 trong khoản viện trợ quân sự mới trị giá 9 triệu đô la Canada (6,9 triệu USD), theo Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand.

Canada đã tặng các khẩu pháo M777 cho Ukraine trước đó, và các hệ thống nòng thay thế là cần thiết để duy trì tầm bắn xa và độ chính xác của loại vũ khí này.

Các nòng pháo trên các khẩu pháo hiện đại - chẳng hạn như pháo M777 - phải được thay thế sau khi bắn 2.500 viên đạn.

Ukraine cần thêm vũ khí để giành hòa bình

Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, nắm quyền trong giai đoạn 2014-2019, đã kêu gọi Đức và các nước khác ở châu Âu “kề vai sát cánh” với Ukraine.

"Vì hòa bình, chúng tôi cần 3 thứ: vũ khí, vũ khí và vũ khí", ông Poroshenko nói với DW từ Kyiv hôm 15/6.

Ông Poroshenko nói thêm rằng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine là "quan trọng đối với tương lai của châu Âu".

Nhà cựu lãnh đạo Ukraine cũng bảo vệ quyết định ký Thỏa thuận Minsk với Nga của mình, nói rằng hiệp định hòa bình năm 2015 đã cho Ukraine "8 năm để thành lập quân đội" và xây dựng lại nền kinh tế đất nước.

“Chúng tôi giành được 8 năm để tiếp tục cải cách và hướng tới (gia nhập) Liên minh châu Âu”, ông Poroshenko nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hội đàm tại Minsk, Belarus, ngày 11/2/2015. Ảnh: Al Jazeera

Thỏa thuận Minsk 2015, được Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, thúc đẩy đi đến ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus năm 2015, nhằm chấm dứt giao tranh giữa phe ly khai do Nga hậu thuẫn và các lực lượng Ukraine ở khu vực Donbass, miền Đông.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa bao giờ được triển khai đầy đủ và cuối cùng đã bị vô hiệu hóa khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hôm 24/2 và xuất hiện cục diện như hiện nay.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Reuters, DW, Newsweek)