Sự kiện

Vì đâu thu ngân sách đạt thấp nhất 7 năm?

Cả nước chỉ có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán. Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50%.

Sáng 7/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng cuối năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013.

Cả nước chỉ có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; nếu không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.

Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu; 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn.

Trước tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp như miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, vật tư; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có doanh thu chịu thuế không quá 200 tỷ đồng;

Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Đối với chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán.

Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Bộ Tài chính cũng đề nghị chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7.

Lê Lan (Tổng hợp)