Thể thao

VFF đang độc quyền “chiếc bánh ngọt” vé bóng đá mới khiến người hâm mộ lao đao?

Trong khi người hâm mộ khó có được tấm vé bóng đá trận đấu ĐT Việt Nam – Malaysia thì “cò” vé lại ngang nhiên công khai bán hàng chục vé với giá “cắt cổ”. Nhiều người cho rằng, VFF chính là cán cân. Vì thế, ngay từ khi mở bán vé VFF cần công khai, minh bạch và liên kết với nhiều nhà mạng để bán vé hiệu quả, vé đến được tay người hâm mộ chân chính.

Mới đây, VFF đã mở bán vé bóng đá online vòng loại World Cup 2022 giữa ĐT Việt Nam và Malaysia. cả 3 đợt bán vé trong ngày 19/9 của VFF đều diễn ra nhanh chóng. Vé mỗi đợt được thông báo “hết vé” chỉ từ 2-4 phút.

Tuy nhiên, không ít người hâm mộ thất vọng khi “kịch bản cũ” lặp lại, các CĐV chân chính có được tấm vé rất khó. Trong khi đó, các phe vé, với kinh nghiệm và thủ thuật lại dễ dàng có được vé để hét giá trên “chợ đen” cao ngất ngưởng. Từ đây, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng VFF đi chưa đúng cách? Việc mở bán online càng khiến dân thường khó tiếp cận?

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena) cho rằng: “Những thay đổi trong hình thức bán vé của VFF cũng là dấu hiệu đáng mừng. Phương thức bán vé online nó cho thấy tiết kiệm được nhiều thứ, từ khâu bán vé, đến việc người hâm mộ không phải xếp hàng chờ mua vé. Nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Còn rất nhiều người, họ tiếp cận công nghệ chậm thì mua vé làm sao? Đây là việc thực sự phải bàn trong thời gian tới”.

Cũng theo ông Võ Đỗ Thắng, trong nhiều đợt mở bán vé online của VFF, thì mạng chậm, mạng lỗi, sập trang cũng cần quan tâm rất nhiều. Ông Thắng ví vé bóng đá mà VFF có như một “chiếc bánh ngọt” và không muốn chia sẻ nó với ai.

Chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng.

“Có thể nhận thấy, khi bán vé hệ hống hạ tầng mà VFF đầu tư chưa tương xứng với số lượng vé và lượng người truy cập khi muốn mua vé. Vì thế, việc đầu tiên cần làm là VFF cần liên kết với các nhà mạng lớn như Viettel, FPT để nâng cấp hệ thống.

Những nhà mạng lớn, họ có đội ngũ chuyên gia về công nghệ cao nên khi có mở bán với số lượng người truy cập lớn cũng không có tình trạng mạng nghẽn, trang sập được. Nhưng VFF luôn muốn độc quyền, không triển khai việc đó với ai. Chuyện này không phải một lần mà đã xảy ra quá nhiều lần”, ông Võ Đỗ Thắng cho hay.

Trước tình trạng “cò” vé đang bắt đầu thổi giá vé trên mạng xã hội, còn người hâm mộ khó có được tấm vé và chấp nhận mua với giá “cắt cổ”. Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng: “Thực ra chuyện “cò” vé dùng thủ thuật để mua được vé lại giống như “bổn cũ soạn lại”. VFF đã bán vé online “cò” vé giảm hơn, nhưng nếu VFF mạnh tay hơn, làm công khai, minh bạch, theo đúng tiêu chí thì cơ hội mua vé sẽ như nhau từ người dân cho đến “cò” vé”.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, VFF cần công khai, minh bạch thêm về mọi thông số, như tổng số vé sẽ được bán ra cho người hâm mộ, công khai trên web, số vé bán được, số vé tồn. Như vậy, người hâm mộ sẽ thỏa lòng và không còn chuyện mập mờ trong chuyện vé đã đi về đâu?

Mai Thu