Kinh tế vĩ mô

VEPR: Kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng GDP có thể đạt 2-2,5%

Nếu các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc-xin sớm và tình trạng phong tỏa như Quý III không lặp lại, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt từ 2-2,5%.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh, cho biết GDP Quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020 là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê về GDP theo quý. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu mức kinh tế tăng trưởng âm cao như vậy. 

2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021

Theo đó, VEPR tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và đưa ra 2 kịch bản trong thời gian tới.

2 kịch bản kinh tế thời gian tới do VEPR dự đoán.

kịch bản xấu, khi dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát, trong khi Việt Nam, tình trạng “đóng-mở” cửa nền kinh tế lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca lây nhiễm gây thiệt hại đến sản xuất.

Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra, chi phí sản xuất tăng cao và nhiều ngành thu hẹp sản xuất, thì mức tăng trưởng GDP trong năm chỉ có thể đạt 1,0-1,5%. Trong đó, ngành nông-lâm-thủy sản tăng trưởng từ 2,0-2,5%; công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 3,0-3,5% và dịch vụ âm từ 1-0,5%.

Ở kịch bản tốt, khi cả nước đã thống nhất được các biện pháp thích ứng với dịch bệnh và vẫn đảm bảo sản xuất lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, các hoạt động sản xuất tiêu dùng được phục hồi, các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc-xin ngay trong nửa đầu Quý IV và tình trạng phong tỏa như Quý III không lặp lại, tăng trưởng GDP cả năm được dự báo đạt từ 2,0-2,5%. 

Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng 2,7-3,2%; công nghiệp và xây dựng 4,0-4,5%; dịch vụ tăng trưởng 0-0,5%.

Báo cáo của VEPR nhận định, sức khỏe của nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Mức tăng trưởng âm 6,17% trong Quý III có lẽ chưa phản ánh hết được sự đứt gãy sản xuất và lưu thông hàng hóa, sự đình trệ của các hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô lớn, sự bất ổn trong đời sống của hàng triệu người lao động.

Nên để doanh nghiêp tự lựa chọn mô hình kinh doanh

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, những khó khăn ở Quý III/2021 có thể tiếp tục kéo dài sang Quý IV nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế Quý IV mà VEPR đưa ra sẽ gặp nhiều thách thức để thực hiện.

"Dự báo tăng trưởng GDP cả năm đưa ra ở mức 2,0-2,5% là con số khó đạt được và cần thêm nhiều biện pháp từ Chính phủ", ông nói. 

Đồng tình với ý kiến trên, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp, tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp 4 khó khăn lớn.

Cụ thể, việc tiếp cận dòng tiền, tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh khó. Thứ hai, lực lượng lao động giảm đáng kể. Tại nhiều doanh nghiệp có còn 20% lượng lao động so với khi chưa có dịch Covid-19. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp khó khăn khi khó có thể duy trì sản xuất an toàn, thông suốt và liên tục. Cuối cùng, các chi phí về phòng dịch, xét nghiệm, tuyển dụng, thu nạp người lao động mới… cao trong khi doanh nghiệp sau thời gian chống chịu dịch Covid-19 đã không còn vốn. 

Theo TS Cấn Văn Lực, cần có nguyên tắc hỗ trợ nhất quán cho doanh nghiệp và không nên hỗ trợ đại trà. TS cho biết, dù dịch nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao như: chứng khoán, thép, dịch vụ tài chính… Cần hỗ trợ theo mức suy giảm kinh tế của từng ngành, tránh trường hợp ngành nào cũng được hỗ trợ bằng nhau. 

"Đặc biệt, cần tập trung sàng lọc, lựa chọn để hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi", ông nói. 

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cho biết để có thể phục hồi kinh tế, các địa phương cần thực hiện nhất quán Nghị quyết 128 và Nghị quyết 105 mà Chính phủ ban hành, tránh tình trạng mỗi địa phương lại có "Nghị quyết con". 

Ngoài ra, lượng vắc-xin cần ưu tiên cho các doanh nghiệp dịch vụ. Chính Phủ cần giúp doanh nghiệp giảm chi phí bằng cách không để ách tắc trong lưu thông hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí xét nghiệm. 

"Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần được tự lựa chọn mô hình kinh doanh an toàn, không nhất thiết phải duy trì mô hình 3 tại chỗ", ông Cấn Văn Lực cho biết. 

Cho DN hoạt động trở lại là gói hỗ trợ có ý nghĩa nhất

TS Cấn Văn Lực cho rằng Chính phủ cần có thêm các gói hỗ trợ từ 1-2% GDP, tương đương 80-160 nghìn tỷ đồng. "Nước ta hoàn toàn có đủ dư địa để thực hiện các gói hỗ trợ, kể cả cho phép tăng trưởng tín dụng mở mức độ cao", ông nói.

TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia Kinh tế cao cấp, ủng hộ việc nên có gói cứu trợ lớn hơn các gói cứu trợ hiện có để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Doanh, không nên có một gói hỗ trợ lớn đột ngột, vượt quá khả năng giải ngân bởi sẽ gây khó và lãng phí nguồn lực. 

"Số ngân sách cần giải ngân quá lớn là không hiện thực. Quốc hội có thể đề ra mức cho phép tăng nhưng phải tăng từng bước", ông nói. Theo ông Doanh, quan trọng nhất là các phương án giải ngân phải cụ thể, tăng biện pháp giám sát để đảm bảo không có việc lãng phí, lạm dụng ngân sách. 

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng đồng tình rằng các gói hỗ trợ là cần thiết, giống bình ôxy cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng theo PGS, để phục hồi nền kinh tế trong Quý IV/2021, không có gói hỗ trợ nào đủ lớn. "Việc cho doanh nghiệp hoạt động trở lại mới là gói hỗ trợ có ý nghĩa nhất", ông nói.

Cụ thể, các tỉnh phía Nam cần sớm cho hàng hóa, con người được lưu thông tự do, thuận lợi để tạo tiền đề cần thiết cho hoạt động phục hồi kinh tế. Theo PGS, dịp mua sắm cuối năm luôn có tổng cầu kinh tế cao do người dân Việt Nam đều tập trung mua sắm để kết thúc năm và chuẩn bị cho năm sau. "Quý IV lượng tiêu dùng cao nên phải thông thương mới có thể phục hồi kinh tế", chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, tại các tỉnh có tình hình dịch đang chuyển biến biến tích cực như Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh… cần trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ, tự động về các hoạt động khôi phục kinh doanh như sản xuất an toàn kết hợp phòng, chống dịch thay vì đưa ra nhiều quy định, điều kiện. 

"Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vững tin và tập trung khôi phục sản xuất", ông nói.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết có thể xem xét các loại hình dịch vụ không cần thiết như nhà hàng, quán bar… hoạt động có điều kiện. "Nhóm ngành này khi có dịch đóng cửa đầu tiên nhưng khi dịch xong lại phục hồi sau cùng", ông nói. 

Theo ông, du lịch phải đi kèm với dịch vụ. Nhà nước đang kêu gọi phục hồi du lịch nhưng nếu không có dịch vụ, ngành du lịch không thể phục hồi hiệu quả.

Cuối cùng, theo PGS, cần củng cố niềm tin cho người dân bằng việc truyền thông đầy đủ, kịp thời. "Đặc biệt, cần cho người dân thấy sự nhất quán giữa các Nghị quyết, thông tư đưa ra và việc thực hiện tại các địa phương", ông nói. 

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra nhiệm vụ giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021, đó là tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; trong đó khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế…

Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn,thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt khoảng 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%; GDP bình quân đầu người ước đạt 3.660 - 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44 - 47%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm.  

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng khẳng định mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Dự kiến, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 sẽ đạt khoảng 6-6,5%.