Sự kiện

Về với Ngã ba Đồng Lộc

Những ngày tháng 7, rất đông người tìm về Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên mảnh đất này. 

Tháng 7, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc nườm nượp tìm về Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) dâng nén hương thơm cho các anh hùng, liệt sĩ. 

Trong đoàn người ấy, có nhiều cô, nhiều bác từng là bạn chiến đấu của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

Dòng người khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc.

“Là thanh niên xung phong (TNXP) từng chiến đấu ở chiến trường Ngã ba Đồng Lộc nên tháng 7 năm nào tôi cũng về đây để ôn lại một thời hoa lửa và tưởng nhớ đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức một thời vẫn sống mãi trong tôi”, cựu TNXP Võ Thị Thanh (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) xúc động nói.

Những người lính TNXP năm xưa về đây để thăm đồng đội là các anh hùng liệt sĩ.

Trong dòng người tấp nập ở Ngã ba Đồng Lộc không chỉ có những cựu binh, lực lượng bộ đội, công an, TNXP, các đoàn du lịch mà còn có cả những gia đình đưa con cháu đến và cả những đoàn học sinh từ các trường học trên cả nước cùng về đây, tìm về với lịch sử dân tộc.

Kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương...

Xem mô hình tái hiện lại chiến trường Đồng Lộc năm xưa và những hiện vật ở bảo tàng, các em học sinh rất xúc động.

Sau khi đọc bức thư của chị Võ Thị Tần - Đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552 gửi cho mẹ trước khi hi sinh, đôi mắt em Nguyễn Thanh Hoài (học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nhòe đi vì xúc động. 

Các em học sinh dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống.

Em chia sẻ, nghỉ hè, em được bố mẹ đưa về Ngã ba Đồng Lộc. Về đây, về với chứng tích lịch sử em mới hiểu hết được giá trị lịch sử của quê hương, dân tộc. Chuyến đi thực tế này sẽ tạo động lực giúp em học tập tốt hơn.

Ông Trần Đình Ước, Trưởng Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết, mỗi năm, Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón tiếp và hướng dẫn cho trên 400.000 lượt khách. Riêng tháng 7 năm nào cũng đông hơn thường lệ, mỗi ngày đón từ 1.000 - 2.000 lượt du khách đến đây tham quan và dâng hương.

“Ban thường xuyên chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công nhân viên nêu cao tinh thần xung kích tình nguyện, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng, phong cách diễn đạt, tinh thần, thái độ phục vụ theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ số vào công tác tiếp đón để xứng tầm với vị thế Khu di tích Quốc gia", ông Ước chia sẻ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó, phải kể đến sự hi sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 vào ngày 24/7/1968.

Loạt bom thứ 15 trong ngày trút xuống Ngã ba Đồng Lộc, trong đó có một quả bom đã phát nổ gần căn hầm chữ A (nơi 10 chị đang tránh bom) làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, từ 17 đến 24 tuổi. Cũng tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Nơi đây đã gắn liền với tên tuổi của hàng loạt các anh hùng liệt sĩ với những chiến công vang dội như: Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, La Thị Tám…

Với tinh thần đó, từ cuối năm 1964 đến năm 1972, quyết tâm đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, từ đó làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ.