Sự kiện

Về thăm Châu Nhân, nơi nắng càng to càng thích

Theo người dân, làm bánh tráng là nghề phụ nhưng thu nhập chính. Tranh thủ thời gian nắng to, họ tráng bánh đa để nhập cho khách hàng trong, ngoài tỉnh và dự trữ.

Những ngày này, tranh thủ trời nắng nóng, người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tráng bánh để phơi. Theo người dân nơi đây, nghề làm bánh đa truyền thống ở xã có từ lâu đời. Tuy nhiên, phải chục năm gần đây nghề này mới thực sự phát triển mạnh và trở thành nghề thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. 

Vào tháng 5, 6,7 là thời điểm người dân tích cực sản xuất bánh. Ở trên đường đê, người dân đưa bánh đa phơi nắng nhìn rất bắt mắt.  

Để kịp đón nắng, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thục, trú xóm 6 phải thức dậy từ 3, 4h sáng bắt đầu công việc tráng bánh. Đến tầm khoảng 9h - 9h30 thì công việc tráng bánh được hoàn tất. Hầu hết các công đoạn tráng bánh được làm bằng máy, tránh tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm được cải thiện. 

Bánh đa xã Châu Nhân được làm từ gạo ngon, vừng đen, tráng bằng máy, có hình vuông và được phơi trên những tấm phên tre truyền thống. “Để bớt nhân công và sức lao động, tôi đã đầu tư chiếc máy tráng bánh trị giá 130 triệu đồng. Chiếc máy này mỗi ngày có thể sản xuất được hàng tấn gạo. Tuy nhiên, do nhân công ít nên mỗi ngày chúng tôi sản xuất khoảng 2 tạ gạo. Sản phẩm của chúng tôi được bán cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nghề chính chúng tôi là nghề làm nông, tranh thủ thời gian trời nắng mùa hè làm thêm bánh tráng. Nói là nghề phụ nhưng đây là nguồn thu nhập chính của gia đình”, ông Thục cho biết.

Để đáp ứng được dây chuyền sản xuất, ông Thục thuê thêm 4 nhân công thời vụ. Mỗi ngày, ông Thục trả cho mỗi lao động 200.000 đồng. Gạo nhà ông sản xuất cũng chỉ đủ ăn vì vậy gạo chủ yếu ông nhập từ miền Nam ra để làm bánh. 

Theo người dân nơi đây, công đoạn quan trọng nhất là phơi bánh. Nếu được nắng thì bánh sẽ thơm và ngon hơn. Nhiệt độ thích hợp cho sản phẩm là từ 37độ C - đến 42 độ C. Thời điểm này, chúng ta sẽ nghe tiếng tanh tách từ bánh. 

Gia đình ông Nguyễn Đình Khang, 67 tuổi cũng phải thuê thêm người để hỗ trợ trong việc sản xuất bánh. Theo ông Khang, trước đây làm bằng tay thì công việc vất vả hơn. Có máy móc hỗ trợ, mỗi ngày sản xuất được hàng ngàn chiếc bánh. 

Tuy nhiên, họ cũng phải canh thời gian phơi bánh, phải chia ra nhiều mẻ để cất. Người phơi bánh cũng có vai trò quan trọng, họ phải căn giờ thu cất hợp lý, không để bánh phơi quá lâu sẽ cứng, cong, khó xếp, khó nướng hơn. Và đặc biệt nếu quá nắng thì sẽ không còn mùi thơm đặc trưng.

Tranh thủ thời gian trời nắng, những hộ dân nơi đây tích cực sản xuất dự trữ để mùa đông bán. 

Với những công việc khác, nhiều người ngại việc làm ngoài trời nắng, nhưng đối với người làm bánh đa thì trời càng nắng to càng thích. 

Bánh sau khi làm xong được rải lên những chiếc phên tre để đưa đi phơi nắng. 

Việc phơi bánh cũng phải có kỹ thuật để tránh bánh bị mốc, ròn, nứt vỡ. Bánh không đủ nắng sẽ bị ỉu và xỉn màu.

Theo ông Thực, thời gian này phải tích cực sản xuất để dự trữ bởi mùa mưa và đông không làm được bánh. Để dự trữ thì mỗi gia đình đều có  kho chứa dự trữ và bảo quản bánh đa.