Sự kiện

Về nơi “điểm nóng” sai phạm đất đai, câu nói của vị Chủ tịch tỉnh khiến người dân an lòng

Những tâm tư, nguyện vọng, sự bức xúc của người dân trước sai phạm của các vấn đề liên quan đất đai ở Thừa Thiên-Huế đã được lãnh đạo tỉnh này lắng nghe, chia sẻ.

Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế là địa phương có hàng loạt sai phạm liên quan đến quản lý đất đai được người dân, báo chí phanh phui.

Gần đây nhất, Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hồ Hữu Phúc, nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, nguyên Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Phú Lộc về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ theo điều 356, Bộ luật Hình sự.

Ông Hồ Hữu Phúc đã lợi dụng chức vụ để "hô biến" 13 lô đất của người khác khai hoang cho người thân của mình.

Theo đó, ông này trong thời gian là Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông đồng (tự ý) với các thành viên trong gia đình và bạn bè để hợp thức hóa việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất nhằm chiếm đoạt các lô đất mà một người dân được chính quyền giao (xác nhận) khai hoang để trồng mía ở thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến.

Cách đó không lâu, Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã công bố thông báo kết luận liên quan đến việc quản lý sử dụng đất và cấp giấy CNQSD đất đối với 15 lô đất đứng tên nhiều cán bộ ở huyện Phú Lộc gây xôn xao dư luận thời gian dài.

Sau nhiều năm cất công khai hoang, canh tác, người dân ở xã Lộc Vĩnh bất ngờ trước việc diện tích đất này đứng tên nhiều cán bộ của huyện.

Theo kết luận của thanh tra thì việc UBND huyện Phú Lộc cấp Giấy chứng nhận cho 62 lô đất (trong đó có 15 lô đất nói trên) từ Quyết định giao đất trồng rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất là không đúng mục đích sử dụng đất quy định.

Kết luận cũng nói rõ, trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (nay là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai) qua các thời kỳ và Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Không chỉ vậy, cũng tại huyện này, một sự việc đến nay nhiều người dân ở xã Lộc Bổn vẫn chưa hết bức xúc liên quan đến những sai phạm của cán bộ hợp tác xã An Nong 1 và UBND xã Lộc Bổn trong quản lý đất rừng, lập danh sách khống để nhận tiền đền bù. Theo đó, dù Thanh tra huyện Phú Lộc đã có kết luận nhưng người dân không đồng tình về hình thức xử lý sai phạm, vì vẫn chưa nghiêm minh.

Bức xúc lên đỉnh điểm khiến tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cuối năm 2018, nhiều người dân xã Lộc Bổn đã kéo đến trụ sở HĐND tỉnh này để có những kiến nghị, đòi xử lý cán bộ tiêu cực…

Tất cả những vụ việc nêu trên đều được các phương tiện truyền thông đại chúng  đưa tin khiến huyện Phú Lộc trở thành một “điểm nóng” về sai phạm đất đai trong mắt dư luận ở Thừa Thiên-Huế.

Bởi vậy, mới đây vào chiều ngày 8/10, việc ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế có buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân tại xã Lộc Bổn liên quan đến việc khiếu kiện, tố cáo đất đai là một động thái được nhiều người quan tâm, ủng hộ.

Tại buổi tiếp xúc này, người dân đã được giãi bày những tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc liên quan đến các sai phạm của Hợp tác xã An Nong I như: Việc phá hoại rừng thông và việc lập danh sách giả để nhận tiền bồi thường dự án Hồ chứa nước Tả Trạch của HTX An Nong I; việc một số cá nhân vi phạm trong đầu tư xây dựng điện lưới nông thôn...

Ông Phan Ngọc Thọ (áo trắng) chia sẻ với những bức xúc của người dân xã Lộc Bổn.

Nói chuyện với người dân, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, lãnh đạo tỉnh không ngại gặp dân, không ngại đối thoại với dân, luôn muốn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, chỉ mong sau khi gặp nhau, trao đổi, người dân và chính quyền sẽ có cùng tiếng nói chung, có những hướng giải quyết phù hợp, đảm bảo hợp tình hợp lý, đảm bảo thực thi đúng pháp luật.

Liên quan đến những bức xúc của người dân xã Lộc Bổn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý dứt điểm từng vụ việc, không để người dân chờ đợi. Vụ việc hơn 160 ha rừng thông bị phá hoại, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu HTX An Nong I sớm phục hồi lại diện tích rừng thông như hiện trạng ban đầu; 95 hộ được giao rừng chỉ là giao khoán chứ không phải giao đất nên người dân yên tâm là đất rừng không bị mất đi.

Việc người dân tố cáo các trường hợp khai man để nhận tiền đền bù khi làm khu tái định cư Bến Ván đã được tỉnh giao cho Công an tỉnh xử lý. Thông qua các phản ánh tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục xử lý các sự việc phát sinh liên quan đến vi phạm trong việc đầu tư xây dựng điện lưới nông thôn.

“Những ý kiến của bà con là rất cầu thị và rất tâm huyết, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng và huyện Phú Lộc tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc, có hướng giải quyết hợp tình hợp lý, tạo niềm tin trong nhân dân. Không có gì quan trọng bằng một xã hội bình yên, một vùng quê bình yên, tạo được sự bình yên trong nhân dân là mang đến sự hạnh phúc cho nhân dân”, ông Phan Ngọc Thọ nói tại buổi đối thoại.

Người dân cảm thấy hài lòng trước sự lắng nghe của lãnh đạo tỉnh.

Kết thúc buổi đối thoại, Đại diện các hộ dân khiếu kiện xã Lộc Bổn cảm ơn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bố trí thời gian để người dân được gặp trực tiếp, được trình bày tâm tư nguyện vọng của mình.

Ông Nguyễn Văn Sáu, một người dân ở xã Lộc Bổn chia sẻ: "Chưa biết kết quả của cuộc đối thoại đi đến đâu nhưng chúng tôi thấy an lòng và cảm nhận được sự chia sẻ, gần gũi  và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đến những vướng mắc của người dân, tạo sự thân thiện giữa chính quyền với người dân".

Lê Kông