Dân sinh

Về Hải Dương, chiêm bái ngôi đền thiêng thờ thân phụ Đức Thánh Trần

Đền Cao An Phụ không chỉ độc đáo ở nét đẹp văn hóa tâm linh, mà ở đó còn là sự hiện hữu của những nét kiến trúc và thiên nhiên kỳ thú của non nước xứ Đông.

Cách Tp. Hải Dương khoảng 40km về phía Đông Bắc, có một ngôi đền thiêng đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, nhưng chưa được nhiều người biết tới. Đó là quần thể di tích Đền Cao An Phụ, tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ - một linh sơn sừng sững giữa trời mây non nước xứ Đông xưa (ngày nay thuộc phường An Sinh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).

Ngôi đền nằm trên dãy An Phụ với độ cao 246m so với mặt nước biển.

Ngôi đền thuộc quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

An Sinh Vương Trần Liễu sinh năm Kiến Gia thứ nhất (1211), là anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của triều Trần. Ông có công lao và sự hy sinh trong thời kỳ đầu nhà Trần dựng cơ nghiệp. Đặc biệt, Trần Liễu đã cùng con trai là Trần Quốc Tuấn thống nhất triều đình, động viên toàn dân đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của vương triều nhà Trần, quân dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Năm 1237, triều đình cắt đất An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hưng, An Bang (nay thuộc Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) cho Trần Liễu làm thái ấp và phong cho ông làm An Sinh Vương ở đây. Ông cùng nhân dân khai hoang lập địa xây dựng nơi đây trở thành một vùng quê trù phú, dân cư đông đúc. Năm 1251, Trần Liễu mất ở tuổi 41. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ trên dãy An Phụ để ghi nhớ công lao của ông.

Kiến trúc đền Cao theo kiểu "tiền nhất, hậu đinh".

Đền Cao toạ lạc trên đỉnh núi An Phụ cao 246m, có phong thuỷ, cảnh sắc hữu tình, được người đời ca ngợi là một trong những cảnh đẹp rất đáng du ngoạn. Phía Đông Bắc của Đền, nhìn về dãy Yên Tử sừng sững; phía Tây Bắc là Động Kính Chủ được mệnh danh là “Nam thiên đệ lục động”, có dòng sông Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi, phía Tây nam là miền châu thổ mênh mông. Tất cả, như một sự sắp đặt của tạo hóa, đã tạo sự uy nghi cho một di tích tâm linh.

Được xây dựng từ thời Trần (khoảng thế kỷ XIII), ban đầu đền chỉ có quy mô nhỏ như miếu. Sau nhiều đợt trùng tu và tôn tạo, đền được mở rộng và có quy mô như ngày nay. Từ chân núi đi dọc theo con đường quanh co, uốn lượn theo hình thế của núi với hai bên là rừng thông xanh ngát, bốn mùa mát mẻ, du khách sẽ đi qua Nghi Môn Ngoại, Nghi Môn Nội và đến với ngôi đền nằm giữa đỉnh non cao.

Tương truyền, hậu cung đền Cao chính là nơi để hài cốt của An Sinh Vương Trần Liễu. 

Đền Cao còn có sự hiện hữu của một số câu đối, đại tự ca ngợi thắng cảnh An Phụ và công đức muôn đời của An Sinh Vương.

Đền mang kiểu kiến trúc “Tiền nhất, hậu đinh” với ba gian nhà tiền tế, ba gian nhà trung từ và một gian hậu cung. Tại gian tiền tế có rất nhiều hệ thống hoành phi câu đối nói về công tích của An Sinh Vương Trần Liễu, mảnh đất Kinh Môn An Phụ, tình cảm sâu nặng gia đình.

Hậu cung đền có đặt tượng thờ của An Sinh vương Trần Liễu và 2 cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô là 2 con gái của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nổi tiếng linh thiêng. Đặc biệt tại gian hậu cung, tương truyền chính là nơi để hài cốt của Ngài, khu vực này ngày thường sẽ hạn chế người vào, chỉ đến ngày giỗ của Ngài thì mới mở để mọi người vào lễ và dâng hương.

Cũng tại đỉnh An Phụ, khoảng giữa hai đỉnh núi là chùa Tường Vân cổ kính (tục gọi là chùa Cao), Cung Mẫu, Lầu cô. Bên dưới chùa còn có giếng Ngọc, giếng mắt Rồng quanh năm ăm ắp nước, trong vắt.  Hướng về phía Đông khoảng 100m có Bàn Cờ Tiên.

Tường Vân có nghĩa là “mây nhân từ” ý muốn nói sự nhân từ của nhà Phật che chở, bao bọc cho người dân An Sinh.

Cung Mẫu tại khu di tích đền Cao, nằm bên cạnh chùa Tường Vân. 

Bên trong Cung Mẫu.

Trước cửa chùa còn có cây đa và nhiều cây đại cổ thụ có liên đại trên 7 thế kỷ quanh năm tỏa bóng xanh mát cho khuôn viên chùa, minh chứng cho lịch sử trường tồn lâu đời của ngôi chùa.

Lầu cô nằm dưới bóng hai cây đại có tuổi đời hơn 700 năm. 

Khi đứng giữa đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh một vùng rộng lớn bát ngát, cảm nhận thấy trời đất như đang giao hòa, cảnh vật sông núi trùng điệp uốn lượn bao quanh làng mạc, đan xen những cánh đồng bao la, trù phú.

Bên dưới chùa còn có giếng Ngọc, giếng mắt Rồng quanh năm ăm ắp nước, trong vắt.

Từ trên đỉnh núi, đi xuống phía dưới khoảng 500m là nơi đặt tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tọa lạc trên một ngọn núi thuộc dãy An Phụ thấp hơn đền Cao chừng 50m. Tượng Đức Thánh Trần được tạc bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hóa cao 9,7m, nặng chừng 200 tấn, thể hiện phong thái một vị tướng văn võ song toàn, đứng nhìn về hướng Đông, tay phải cầm cuốn binh thư, tay trái tỳ đốc kiếm biểu hiện tầm cao chiến lược.

Công trình tượng đài Hưng Đạo Đại vương được hoàn thành vào 8/10/1998, là công trình kiến trúc nghệ thuật bằng đá xanh ngoài trời lớn nhất Việt Nam cuối thế kỷ 20 đã được xắc lập kỷ lục Guynes năm 2013.

Bức tượng thể hiện tài năng văn võ song toàn của một người anh hùng dân tộc, mang nhiều nét ý nghĩa về cả văn hóa, lịch sử và mỹ thuật.

Tới đây, mỗi du khách còn được chiêm ngưỡng bức phù điêu bằng gốm khổng lồ có nội dung xuyên suốt về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Bức tranh chuyện dài 45m, cao trung bình 2,5m được ghép bởi 265 viên gạch của tác giả Hoàng Nhân và Vũ Ngọc Thạch, do những người thợ ở làng Cậy, huyện Bình Giang, Hải Dương, chế tác. Công trình này đã được xác lập kỷ lục Guynes năm 2013 là bức tranh truyện bằng đất nung ngoài trời dài nhất Việt Nam.

Ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần đã được tái hiện trên bức tranh truyện phù điêu bằng đất nung.

Hàng năm, lễ hội đền Cao An Phụ được tổ chức từ ngày 29/3, ngày mùng 1/4 (âm lịch) là ngày chính hội và cũng là ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu.

Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Đền Cao An Phụ được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Để phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể khu di tích đền Cao An Phụ, năm 2017, khu di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Người dân và du khách đi chiêm bái đền Cao dịp đầu xuân. 

Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn, cho biết: Trong những năm qua, nằm trong quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, đền Cao An Phụ không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023, Thị xã Kinh Môn đã tổ chức lễ khai hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Vào đêm 1/2/2023 (tức ngày 11 âm lịch) tại đền Cao An Phụ sẽ diễn ra lễ cầu an cho bách gia trăm họ, đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong lễ hội mùa xuân của thị xã Kinh Môn. Ở phần hội vào ngày 21 - 22/2 (tức ngày mùng 2, mùng 3 tháng 2 âm lịch) tại đền Cao An Phụ sẽ diễn ra giao lưu tín ngưỡng thờ mẫu tam tứ phủ người Việt của 14 nghệ nhân thanh đồng ở trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Ngoài ra ngày 1/4 âm lịch sẽ diễn ra hoạt động lễ, hội và rước kiệu để tưởng niệm 772 năm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu.

Trong thời gian diễn ra lễ hội đến hết ngày 1/4 âm lịch, thời gian là 4 tháng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao như thi đấu bóng truyền, bóng đá, cờ tướng và các trò chơi dân gian truyền thống ở quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ. Để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã chú trọng thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, ngăn chặn các hành vi mê tín, di đoan, công tác vệ sinh môi trường, tổ chức phương tiện trung chuyển phục vụ du khách…

Hệ thống văn bia tại đền Cao. 

Thông tin thêm về di tích đền Cao, Chủ tịch UBND Thị xã Kinh Môn Trương Đức San trải qua những biến cố và những thăng trầm lịch sử, thiên nhiên phong hóa, đền Cao và các công trình khác trên đỉnh An Phụ đã bị tàn phá nặng nề qua nhiều thế kỷ, trong những năm gần đây đền đã được trùng tu, tôn tạo lại đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách, nhất là để xứng đáng với tầm vóc, bề dày lịch sử, văn hóa của công trình này.

“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể cũng như các đề án chi tiết để trùng tu, tôn tạo nhằm đưa khu di tích trở thành một trung tâm văn hoá tín ngưỡng không chỉ của riêng tỉnh Hải Dương mà mang tầm vóc quốc gia, đáp ứng lòng ngưỡng vọng tâm linh của nhân dân và du khách về tham quan tưởng nhớ bậc tiền nhân đã có công đóng góp cho lịch sử dân tộc.

Ngoài ra sẽ chú trọng công tác đầu tư phát triển hạ tầng, các công trình lưu trú phục vụ du khách, tăng cường công tác quảng bá, truyền thông, đưa hình ảnh của khu di tích đến với rộng rãi người dân và du khách”, ông Trương Đức San khẳng định.

Không chỉ là một địa chỉ tâm linh, đền Cao An Phụ còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Người dân và du khách về chiêm bái tại đền Cao An Phụ. 

Phạm Tùng - Mạnh Quốc.