Kinh tế vĩ mô

VCCI đề xuất điều chỉnh phương án đơn giản hóa Luật Thủy sản

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra những góp ý về phương án cắt giảm, đơn giản hóa Luật Thủy sản.

Đề xuất bỏ những quy định làm tăng các thủ tục hành chính không cần thiết

Phản hồi đề nghị của Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính về việc góp ý phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đề xuất cắt giảm 4/423 quy định về yêu cầu, điều kiện trong năm 2021, tức là chỉ chiếm 0,94% tổng quy định hiện nay.

Việc rà soát cắt giảm các quy định này là rất cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung vào phương án cắt giảm thêm hai quy định liên quan tới giấy phép nhập khẩu tàu cá và điều kiện cơ sở đóng mới cải hoán tàu cá.

Luật Thủy sản quy định, tàu cá nhập khẩu phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Quy định này sẽ làm tăng các thủ tục hành chính không cần thiết cho việc nhập khẩu tàu cá. Các tàu cá nhập khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực và phải được cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi thực hiện hoạt động khai thác. Do đó, quy định này là không cần thiết.  

Luật Thủy sản cũng quy định, các điều kiện của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; bộ phận giám sát, quản lý chất lượng, nhân lực.

Theo VCCI, quy định này cũng không cần thiết, vì tất cả các tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán đều sẽ được đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác thực tế. Như vậy, chất lượng và an toàn tàu cá đã được bảo đảm bằng một biện pháp chặt chẽ và không cần thiết phải tăng cường bằng việc quy định điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá.

Trong trường hợp việc đăng kiểm không đủ năng lực để bảo đảm chất lượng và an toàn tàu cá thì nên tăng cường cho hoạt động này chứ không nên đặt ra quy định là điều kiện đầu tư kinh doanh. Thêm nữa, việc quy định cứng các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải có từng loại máy móc cụ thể được liệt kê sẽ làm giảm sự linh hoạt của thị trường.

Cải hoán tàu cá tại khu kéo, sửa chữa tàu ở cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: TTXVN.

Ví dụ, một cơ sở sản xuất chỉ tập trung thi công phần máy, phần ngư cụ, hoặc phần gỗ, phần mỏ neo và bán lại cho các cơ sở khác để tiếp tục lắp ráp, hoàn thiện. Việc bắt buộc có đầy đủ các loại máy móc sẽ không giúp các cơ sở có thể chuyên môn hóa nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Đó chính là những lý do, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung phương án cắt giảm theo hướng bỏ hai quy định nên trên. 

Rà soát tổng  thể, bổ sung phương án cắt giảm

Ngoài ra, yêu cầu của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản là tài liệu, hồ sơ bằng chữ nước ngoài cần phải được công chứng bản dịch, hoặc có xác nhận của cơ quan dịch thuật cũng là quy định không thực sự cần thiết.

Bởi thực tế, doanh nghiệp có thể tự dịch và tự chịu trách nhiệm về bản dịch của mình, đồng thời sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp so với việc phải thuê ngoài. Do đó, cơ quan soạn thảo nên xem xét bổ sung phương án cắt giảm quy định này theo hướng cho phép doanh nghiệp được tự dịch các tài liệu bằng tiếng nước ngoài.

Liên quan tới thời hạn của giấy phép hoạt động, thông thường, một số loại giấy phép đều quy định thời hạn có hiệu lực. Sau thời gian đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép mới. Tuy nhiên, quy định này cũng không cần thiết vì việc xin giấy phép là yêu cầu đối với các doanh nghiệp khi mới bắt đầu tham gia thị trường.

Các doanh nghiệp khi đang hoạt động thường vẫn tiếp tục đáp ứng đủ các quy định nói trên nên việc xác định doanh nghiệp đủ hay không đủ điều kiện hoạt động có thể được thực hiện thông qua việc thanh, kiểm tra.

Do đó, theo VCCI, việc quy định thời hạn có hiệu lực của giấy phép chỉ khiến các doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, lãng phí chi phí không cần thiết. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát tổng thể các quy định trong phạm vi quản lý và bổ sung phương án cắt giảm theo hướng bỏ các quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy phép, như nội dung của Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản.

Ngành thủy sản được dự báo khởi sắc vào quý IV/2021

Theo Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu nhiều loại mặt hàng đồng loạt giảm mạnh trong tháng 8/2021.

Tổng sản lượng tháng 8 ước khoảng 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ và là tháng giảm đầu tiên trong năm 2021. Dù vậy, đà tăng trưởng của 7 tháng đầu năm vẫn giúp lũy kế tổng sản lượng đến hết tháng 8/2021 đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 66,2% kế hoạch năm 2021.

Dù ngành thủy sản còn tồn tại khó khăn, Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Cơ hội hoàn thành mục tiêu kim ngạch 8,8 tỷ USD trong năm nay vẫn còn. Một trong những lý do là nguồn cung thủy sản hiện không đứt hoàn toàn.

Tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có một lượng lớn lao động trở về do dịch bệnh. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong khu vực sạch bệnh hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực này, xoay vòng với lượng nhân công đang thực hiện "3 tại chỗ" ở các cơ sở, để đẩy nhanh tốc độ sản xuất.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục cũng đã tích cực thông tin cho bà con nông dân, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo cơ chế tháo gỡ, thúc đẩy cho bà con duy trì nuôi trồng, khai thác thủy hải sản.

"Bà con cần được thông tin kịp thời, rằng nhu cầu của thị trường là rất lớn. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đơn hàng có thể sẽ tới tấp. Chúng ta cần lên kế hoạch để chuẩn bị nuôi thả từ trước vài tháng. Bằng không, ngành thủy sản có thể chịu nguy cơ thiệt hại kép, vừa không thể tranh thủ được các thị trường thiếu hụt nguồn cung, vừa thiếu đảm bảo cho chu kỳ sản xuất mới", ông Luân chia sẻ. 

Hương Anh (t/h từ VTV, Báo Tin tức)