Tiêu điểm

Vay tiền ngân hàng để "quay vòng" bất động sản, chứng khoán?

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đặt câu hỏi có hay không nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp?

Cần đánh giá toàn diện

Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) quan tâm về kết quả thu chi ngân sách năm nay vẫn đạt dự toán. Tuy nhiên, xét về cơ cấu thu thì bà cho rằng còn một số vấn đề.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thảo luận tại phiên họp.

Đại biểu cho biết thu ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ, nhưng trong tổng thu ngân sách lại tăng trưởng. Nữ đại biểu đặt câu hỏi ngân sách tăng trưởng ở đâu?

“Thực tế cho thấy một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là là hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Có hay không nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”.

Theo đại biểu, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Ban hành cơ chế cấp toàn bộ vốn ODA

Trong khi đó, ĐBQH Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội chuyển 16.000 tỷ đồng kế hoạch nguồn vốn Trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) sang năm 2022.

Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, nếu trung ương vay vốn ODA để cho các địa phương vay lại thì cũng rất khó có khả năng trả nợ.

Đồng thời, cho phép Chính phủ ban hành cơ chế cấp vốn toàn bộ đối với nguồn vốn ODA để triển khai chương trình cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách trung ương trở lên.

Lý do được đại biểu này đưa ra là bởi nhu cầu nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 là rất lớn so với khả năng đáp ứng ngân sách của trung ương.

“Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội khóa XIV đã giao cho Chính phủ có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện chương trình, song với đặc thù hầu hết các địa phương thụ hưởng chương trình là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi rất khó khăn về ngân sách, phải phụ thuộc chủ yếu vào vốn hỗ trợ và nguồn hỗ trợ ngân sách của trung ương. Nếu trung ương vay vốn ODA để cho các địa phương vay lại thì cũng rất khó có khả năng trả nợ”, đại biểu Lịch bày tỏ.