Góc nhìn luật gia

Vật nuôi gây tai nạn chết người, chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Chị Ngô Kim T. điều khiển xe máy lưu thông trên đường thì tông trúng một con chó. Cú tông làm chị té ngã dẫn đến chấn thương nặng và qua đời. Vụ tai nạn một lần nữa khiến dư luận bức xúc về tình trạng chó thả rông và kêu gọi chủ sở hữu vật nuôi này chịu trách nhiệm.

Trước đó, anh Đặng Văn Phúc, Đội trưởng đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh thông tin, sau 2 ngày chữa trị, chị Ngô Kim T. (SN 1970, ngụ phường 1, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đã qua đời.

Theo đó, ngày 25/3, chị T. điều khiển xe máy lưu thông trên đường. Khi đến ngã tư Thanh Điền, thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, chị tông trúng một con chó chạy ngang đường.

Cú tông bất ngờ khiến chị T. ngã xuống đường và bị thương nặng. Lúc này, đội của anh Phúc đến sơ cứu thì phát hiện chị bị gãy 2 tay, đa chấn thương rất nặng. Nạn nhân nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi.

Sự ra đi tức tưởi của chị T. khiến gia đình chị đau đớn và bàng hoàng. Con gái chị T. xót xa: "Tại sao mẹ tôi lại chết một cách dễ dàng đến vậy? Quá vô lý!".

Chia sẻ với gia đình chị T., một người dân kể lại: "Mấy năm trước, trong xóm tôi cũng có một phụ nữ chết oan ức do tông trúng con bò. Chị này mới lấy chồng được một tháng".

Hay, một vụ tai nạn khác ở Đắk Lắk cũng khiến nhiều người chứng kiến thương cảm, bàng hoàng. Cụ thể, ông S. (ngụ huyện Buôn Đôn) điều khiển xe máy chở vợ đi chơi lễ thì bất ngờ tông trúng con chó chạy qua đường. Lúc này, 2 người ngã xuống đường và bị xe tải cán tử vong.

Liên quan đến trách nhiệm của chủ sở hữu vật nuôi gây tai nạn, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, tất cả các tai nạn xảy ra trên đường giao thông đều phải do cơ quan công an có chức năng xử lý, nhằm xác định nguyên nhân gây ra tai nạn. Trong trường hợp người gặp nạn va chạm với vật nuôi, cơ quan công an sẽ điều tra xác định: Chủ sở hữu vật nuôi là ai? Nguyên nhân gây tai nạn? Lỗi do vật nuôi hay người bị hại…?

Đối với vật nuôi mà xác định chủ sở hữu đang chăn dắt lưu thông trên đường, pháp luật điều chỉnh như sau: Theo Điều 34 luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định, người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn. Ngoài ra không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Theo điểm c khoản 2 Điều 35 luật Giao thông đường bộ, không được thực hiện các hành vi như thả rông súc vật trên đường bộ.

Ngoài ra theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 Xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, Điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, mức phạt là 60.000 đồng đến 80.000 đồng.

Nếu chủ sở hữu thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên, việc này nếu gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật.

Xuất phát từ nguyên tắc chung của pháp luật dân sự là tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; khi các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm, gây thiệt hại thì người vi phạm, gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự và biểu hiện của trách nhiệm dân sự cụ thể đó là việc bồi thường thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 603 của Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.

Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Để hạn chế trường hợp chủ sở hữu vật nuôi như trâu, bò, chó, gà, vịt.. thả rông gây tai nạn giao thông, mỗi người chủ cần có ý thức hơn nữa trong việc quản lý vật nuôi, không chăn, thả các vật nuôi trên đường giao thông.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đáng tiếc xảy ra.