Hồ sơ điều tra

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Những bị cáo nào được VKS đề nghị giảm mức hình phạt?

Đại diện VKS ghi nhận nhiều tình tiết bổ sung, làm căn cứ đề nghị lại mức án đối với loạt bị cáo, theo hướng nhẹ hơn so với mức đề nghị trước đó.

Ngày 3/4, TAND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan. Đại diện VKS tiếp tục phần đối đáp với các luật sư về nhiều quan điểm bào chữa bổ sung cho các bị cáo.

Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện VKS cũng bác bỏ nhiều quan điểm bào chữa bổ sung của luật sư và của các bị cáo có liên quan trong vụ án. Ngoài ra, VKS ghi nhận thái độ thành khẩn, ăn năn hối hận, tích cực nộp tiền khắc phục vụ án của nhiều bị cáo, từ đó làm căn đề nghị HĐXX giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

VKS đề nghị xem xét thái độ không thành khẩn của bị cáo Đỗ Thị Nhàn

Trước đó, khai tại tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước – Trưởng đoàn thanh tra tại SCB) đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, bị cáo Nhàn cho rằng mình không có chủ ý nhận quà từ Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB và không biết các thùng xốp được Văn đưa đến nhà bị cáo có tiền.

Bị cáo Nhàn cũng cho rằng, việc được Văn và SCB tặng quà là chuyện thường tình và khi biết được tặng tiền đã liên hệ với Văn để trả lại nhưng không được.

VKS đề nghị xem xét thái độ không thành khẩn của bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Về các nội dung trên, VKS cho rằng, quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB phát hiện qua thanh tra, SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc trực tiếp đưa cho Đỗ Thị Nhân 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.

Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong Đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu. Hành vi của Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

VKS lập luận, bị cáo Trương Mỹ Lan là người sắp xếp các vị trí chủ chốt tại HĐQT và ban điều hành SCB. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn là Tổng giám đốc SCB đã nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Bị cáo Văn khai mình là người làm việc trực tiếp với đoàn thanh tra, cũng là người giới thiệu bị cáo Nhàn gặp gỡ Trương Mỹ Lan. Thông qua Văn, bị cáo Lan đã đưa cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD.

Bị cáo Nhàn nói Văn chủ động đưa tiền cho Nhàn và bị cáo đã nhiều lần có ý định trả lại tiền cho Văn, VKS không đồng ý quan điểm này. Theo VKS, bị cáo Nhàn đã 4 lần nhận tiền từ Văn trong suốt quá trình Nhàn làm trưởng đoàn thanh tra lại SCB.

Bị cáo Nhàn biết tiền Văn đưa đến là tiền Trương Mỹ Lan “cảm ơn” vì đã giúp đỡ, hỗ trợ SCB. Nhàn đã nghe Văn trao đổi trực tiếp hoặc thông qua điện thoại. Tuy nhiên, bị cáo Nhàn không có ý định trả lại tiền này như bị cáo khai tại tòa. Bởi, nếu bị cáo có ý định trả lại tiền thì lần đầu khi nhận 200.000 USD, bị cáo đã phải trả lại ngay.

Theo VKS, lần thứ nhất, Văn đưa tiền cho Nhàn tại trụ sở, sau đó Nhàn chấp nhận gặp Văn tại nhà riêng. Có lần khi Văn đến, bị cáo Nhàn không ở nhà nhưng vẫn cho Văn mật khẩu cửa để lên nhà. Sau mỗi lần đưa tiền, Văn đều thông báo tiền của bị cáo Lan đưa. Lần thứ 4, sau khi ban hành kết quả thanh tra, bị cáo đã nhận đủ 5,2 triệu USD.

Với các lập luận trên, VKS đánh giá bị cáo Nhàn đã khai báo quanh co, không thành khẩn và đề nghị HĐXX xem xét tình tiết thái độ không thành khẩn của bị cáo này.

Nhiều bị cáo được đề nghị lại mức án

Theo đại diện VKS, bên cạnh một số bị cáo chưa nhận thức đầy đủ hành vi phạm tội, thì hầu hết các bị cáo còn lại đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, tác động gia đình khắc phục hậu quả. Tính từ khi xét xử đến nay, tổng tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả là hơn 73 tỷ đồng.

Ghi nhận thái độ thành khẩn của nhiều bị cáo, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một số quan điểm của các luật sư, đồng thời xem xét mức hình phạt mới theo hướng nhẹ hơn so với đề nghị trước đó của VKS cho một số bị cáo.

VKS ghi nhận thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trương Huệ Vân.

Cụ thể, VKS đánh giá bị cáo Trương Huệ Vân có thái độ ăn năn hối cải, phạm tội do bị phụ thuộc, chỉ đạo từ bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Vân cũng đã vận động gia đình nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Luật sư của bị cáo Vân cung cấp tình tiết giảm nhẹ là bằng khen giấy khen, thư cảm ơn phòng chống dịch Covid-19, bằng khen các bộ ngành Trung ương... Do đó, VKS đề nghị mức án 17-18 năm tù, thay cho mức án 19-20 năm trước đó.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan), VKS đánh giá bị cáo phạm tội do tin tưởng vợ, không tham gia điều hành SCB. Tại cơ quan điều tra và tại tòa, bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội. VKS đề nghị giảm mức đề nghị xuống 10-11 năm, thay vì 11-12 năm.

Với bị cáo Nguyễn Cao Trí, VKS ghi nhận sự tích cực của bị cáo và gia đình đã khắc phục gần 700 tỷ, trong quá trình phiên tòa diễn ra đã nộp thêm 61 tỷ. Bị cáo Trí cũng thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận và có nhiều tình tiết giảm nhẹ bổ sung. Từ đó, VKS đề nghị áp dụng mức hình phạt từ 9-10 năm tù, thay cho 10-11 năm như đề nghị trước đó.

Ngoài ra, nhiều bị cáo khác như Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó Tổng giám đốc SCB; Đặng Phương Hoài Tâm; Hồ Bửu Phương; Dương Tấn Trước; Từ Văn Tuấn; Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Văn Hưng và hàng loạt bị cáo thuộc nhóm thanh tra, giám sát NHNN thành phố Hồ Chí Minh cũng được VKS đánh giá là có thành khẩn khai báo, nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi…và đề nghị HĐXX áp dụng mức án đề nghị mới theo hướng thấp hơn mức án mà VKS đã đề nghị tại phiên tòa ngày 19/3.