Hồ sơ điều tra

Vấn nạn “cò luồng xanh” và chiêu trò của những chuyến xe "lậu"

Người Đưa Tin đã phản ánh trong hai bài viết trước về vấn nạn “cò luồng xanh” và đưa “lậu” người ra khỏi khu vực giãn cách. Mối liên quan giữa hai sự việc này ra sao


Sau rất nhiều lần gặp khó khăn trong việc thử đăng ký cấp giấy phép “luồng xanh” qua hệ thống của Tổng cục đường bộ Việt Nam, phóng viên đã tiếp cận với một “cò” tại Cầu Giấy, Hà Nội. Chuyển hồ sơ và phí dịch vụ theo hướng dẫn, chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ sau, người này thông báo hoàn tất mọi thủ tục, chiếc xe đăng ký trong hồ sơ đã sẵn sàng lăn bánh với giấy phép “luồng xanh” do Sở GTVT Bắc Giang cấp. Để xác thực tính chân giả của giấy phép trên, phóng viên truy cập vào hệ thống cấp phép luồng xanh vận tải thì mọi thông tin hoàn toàn trùng khớp, mã QR ưu tiên là thật.

Mã QR ưu tiên đăng ký qua “cò luồng xanh”

Vậy là chỉ vài thao tác cơ bản, 600 nghìn đồng chi phí cho “cò” và ít thời gian chờ đợi, một chiếc xe bán tải (Pick up), không có mục đích vận chuyển ưu tiên theo quy định, đã được cấp giấy phép “luồng xanh”.

Trở lại với câu hỏi: “cò luồng xanh” liên quan thế nào trong việc đưa “lậu” người ra vào vùng dịch?

Trong vai khách có nhu cầu đi từ Hà Nội về Hà Nam, phóng viên đã được hàng chục lái xe mời chào với mức giá gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với ngày thường. 1,1 đến 1,2 triệu đồng cho quãng đường 50 km, bình thường chỉ rơi vào khoảng 450 nghìn đồng cho khách bao xe riêng. Khi tỏ ra e ngại vì không có giấy đi đường, một lái xe nhiệt tình thuyết phục: “cái đó nhà xe cũng lo luôn, chị đừng sợ”.

1,2 triệu đồng cho quãng đường 50 km

Để thu thập thêm tư liệu thực tế và hiểu rõ hơn phương thức hoạt động của những chuyến xe chở “lậu” người này, sau khi được tiêm vắc- xin và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, phóng viên đã quyết định đặt xe về Phủ Lý, Hà Nam.

Đúng hẹn, chiếc xe bán tải (Pickup) màu trắng xuất hiện đón khách, chuyến xe “lậu” có thêm một hành khách khác, tổng cộng là 4 người (bao gồm cả lái xe).

Xe đón khách tại điểm hẹn

Khi lên xe mới chứng kiến được chiêu trò của những chiếc xe này, tài xế yêu cầu khách hàng cung cấp chứng minh nhân dân rồi lúi húi điền thông tin vào tờ Giấy đi đường theo mẫu đã được chuẩn bị trước đó. Chỉ mất vài phút cho việc điền thông tin và đóng dấu của công ty TNHH sự kiện và truyền thông Minh An để hoàn thiện tờ Giấy đi đường cho khách hàng theo đúng quy định. 

Giấy đi đường cho khách được hoàn thiện trong vài phút, dấu có sẵn trên xe

Chiếc xe gắn mã QR ưu tiên, do Sở GT VT Hà Nam cấp, dễ dàng lưu thông qua chốt kiểm soát của cơ quan chức năng để vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Lái xe này cho biết, “nhà em có 3 xe chạy liên tục hàng ngày, nhưng một xe mới bị công an tạm giữ và phạt 40 triệu đồng do vận chuyển người trái phép nên hôm nay chỉ còn 2 xe để chạy”.

Trả lời cho câu hỏi “không sợ à?”, lái xe tần ngần một lúc: “dịch biết làm gì đâu chị, bị bắt thì có Sếp lo rồi, bọn em chỉ biết lái thôi”. Tài xế này cũng cho biết thêm, sáng sớm là thời điểm các cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao nhất nên anh ta thường chở theo rau củ quả các loại để qua mặt, các chuyến sau chở theo khách sẽ dễ dàng hơn vì chiều ra khỏi Hà Nội không bị kiểm soát khi xe đã có giấy phép “luồng xanh”.

Xe xuống nút giao Liêm Tuyền, cảnh sát giao thông tại chốt chặn yêu cầu xe vào khu vực khai báo y tế nhưng người này chỉ vòng xe vào khoảng 2’ cho có lệ rồi lại điềm nhiên rời đi mà không gặp bất kỳ sự cản trở hay tra soát giấy tờ đi đường người trên xe của cơ quan chức năng.

Nhằm nắm bắt rõ hơn, tránh tiếp xúc với người khác, phóng viên quyết định đặt xe quay lại Hà Nội ngay. Khi về đến chốt chặn Pháp Vân, lực lượng thanh tra giao thông tại đây yêu cầu khai báo y tế thì người này hạ kính làu bàu: xe em vừa chạy mấy lượt rồi còn gì. Nhưng đứng trước sự cương quyết của đồng chí thanh tra giao thông, lái xe yêu cầu hành khách ở tại xe còn mình xuống làm thủ tục, và cũng chỉ mất chưa đầy 5’ cho việc khai báo, xe lại tiếp tục lăn bánh. Cả quá trình này, không có bất kỳ sự tra soát nào đối với người ngồi trên xe cũng như hàng hóa mà phương tiện chở theo.

Chốt chặn tại cao tốc, hướng đi Cầu Giẽ - Pháp Vân

Khai thác sâu hơn, lái xe cho biết, trung bình một ngày anh ta chạy từ 10 đến 12 chuyến cho hành trình Hà Nội – Hà Nam và ngược lại. Cũng đôi lần bị các chốt chặn trong nội đô phát hiện nhưng thường “giải quyết êm đẹp”. Nhẩm tính nhanh, lái xe có thể thu về từ 10 đến 12 triệu cho một ngày trở khách.

Lái xe cho biết, trung bình anh ta chạy 10 đến 12 lượt khách mỗi ngày

Đáng lưu ý hơn, cả quá trình đi và về, giấy xét nghiệm nhanh Covid- 19 mà phóng viên đã chuẩn bị trước đó trở nên thừa thãi bởi nó không hề được dùng đến, những lái xe này cũng chẳng cần quan tâm.

Đến đây, đã có thể sơ bộ phác họa ra phương thức hoạt động của những chuyến xe này. Xe chở khách sẽ được đăng ký mã QR ưu tiên theo dạng luồng xanh, thường do các tỉnh lân cận Hà Nội như Hà Nam, Bắc Giang…cấp. Một đầu mối chịu trách nhiệm tìm khách thông qua mạng xã hội, mối quan hệ quen biết…rồi cung cấp cho lái xe địa điểm và thời gian đón trả khách. Thủ tục giấy tờ để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng luôn được chuẩn bị đủ trên xe và sẵn sàng hoàn thành chỉ trong vòng vài phút đồng hồ.

Sơ đồ vận hành của đường dây chở khách “lậu”

Để mở rộng hơn thông tin, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ của công ty đóng dấu trên Giấy đi đường, công ty TNHH sự kiện và truyền thông Minh An. Có hai số nhà 68 (68 và 68A) tại ngõ 164 phố Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội nhưng không hề biển hiệu hay công ty nào hoạt động tại đây, chỉ là những ngôi nhà dân sinh hết sức bình thường . Xác minh nhanh từ người dân xung quanh và cảnh sát khu vực cũng không có thông tin về công ty TNHH sự kiện và truyền thông Minh An.

Không có Công ty Minh An tại địa chỉ đăng ký kinh doanh

Theo thông tin từ sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, công ty TNHH sự kiện và truyền thông Minh An bắt đầu đăng ký hoạt động từ ngày 07/04/2021, người đại diện là Nguyễn Thị Dung, sinh ngày 04/09/1993, có hộ khẩu thường trú xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Việc tùy tiện sử dụng con dấu, hành vi làm giả giấy đi đường của công ty này đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải bị nghiêm trị. Những hành động này đang khiến cho tình hình dịch bệnh trở nên cực kỳ phức tạp.

Điểm c, khoản 4 mục 4, Hướng dẫn xây dựng “luồng xanh” vận tải (đính kèm văn bản số 4977/TCĐBVN-VT ngày 18/7/2021) của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã nêu rõ:

Đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký cấp Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “Luồng xanh” và các thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát liên ngành và các Sở GTVT trong quá trình vận chuyển.

Những quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh là rất kịp thời và cần thiết, mong mỏi vào ý thức tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh nhưng có nhiều người lại coi đó là kẽ hở để luồn lách, mưu lợi trái phép.

Có thể thấy, chính sách của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong thời đại dịch đang bị một số đối tượng lợi dụng rất tinh vi nhằm trục lợi cá nhân. Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, những kẻ vì tiền mà bất chấp luật pháp, lương tâm và trách nhiệm với cộng đồng cần phải bị nghiêm trị.

Xem thêm:

Những cuộc "ngã giá" của "cò luồng xanh" thời giãn cách

“Ra vào Hà Nội dễ lắm!”

Xác minh việc "Doanh nghiệp phải nhờ dịch vụ khi làm luồng xanh"

Tuấn Minh - Hữu Thắng