Văn hoá

"Văn học mà thiếu lý luận phê bình chỉ là nghiệp dư, ngẫu hứng"

Tại toạ đàm về Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn đã có những chia sẻ về văn chương.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông là cây bút tiểu thuyết nổi bật của văn học Việt Nam đương đại. Kể từ khi những tác phẩm đầu tiền ra mắt năm 1991, trong hơn 30 năm qua, Nguyễn Bình Phương luôn bền bỉ sáng tác bằng phong cách nghệ thuật độc đáo với 10 cuốn tiểu thuyết ấn tượng. 

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho xu hướng cách tân nghệ thuật với lối viết biến ảo linh hoạt và sự phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết truyền thống. Nguyễn Bình Phương cũng tạo nên thế giới nhân vật dị biệt nhưng không hề xa lạ với đời sống đương đại, mỗi cuốn tiểu thuyết của ông là hành trình khám phá con người ở chiều sâu vô thức hay trong "bản năng gốc" của nó. Tuy vậy, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không dễ tiếp nhận và luôn gây nhiều tranh cãi, với những đánh giá khen chê phong phú, đa chiều.

Nhân dịp tiểu thuyết Một ví dụ xoàng được trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2021, ngày 18/7, Viện Văn học và Hội nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức Toạ đàm Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại.

PSG.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học (trái) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tại Toạ đàm tác phẩm của Nguyễn Bình Phương.

Chia sẻ tại Toạ đàm, PSG.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học cho hay: "Thông qua Toạ đàm khoa học này, chúng tôi muốn đánh giá những đóng góp của Nguyễn Bình Phương, đồng thời xem đâu là những giới hạn của ông trong văn học bằng cái nhìn đa chiều, bằng sự phân tích và mổ xẻ khách quan. Chúng ta đặt Nguyễn Bình Phương trong sự chuyển dịch của văn chương đương đại, ông là người dám tuyên bố từ chối các điển hình nghệ thuật, tiểu thuyết của ông không dài, nhưng vẫn kiến tạo được những nhân vật đa tầng. Ngôn ngữ của ông trong văn chương có nhiều cách tân, Nguyễn Bình Phương tạo ra cái nhìn, giọng nói của mình bằng ngôn ngữ riêng".

Nói về các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Giải thưởng của Hội nhà văn năm 2021 là giải thưởng đầu tiên có sự tiếp cận văn học có sự khác biệt, chúng tôi vui vì đã tìm được những tác phẩm xứng đáng để trao giải. Có lúc, chúng tôi đã phải "đe doạ" để Nguyễn Bình Phương nhận giải cho tác phẩm Một ví dụ xoàng, vì chúng tôi phá lệ trao giải thưởng cho người trong Ban chấp hành Hội nhà văn. Chúng ta trao thưởng tác phẩm phi văn hóa, kém chất lượng thì mới sợ hãi. Nếu tác phẩm tốt mà không trao, giải mất công bằng.

Có người nói tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương khó đọc, nhưng ông công bằng với hiện thực xã hội Việt Nam, ông không phán xét ai, không có ý đồ dẫn bạn đoc đi vào một lối nào đó, ông để ra cho chúng ta thấy hiện thực của xã hội, bạn đọc tiếp cận từng tầng hiện thực trong văn chương của ông".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì cho biết, ông đánh giá cao các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương. "Anh Phương có cách viết không giống ai, có người cho là dị biệt, có người cho là khó đọc, nhưng anh ấy viết theo kiểu của mình, đó là Nguyễn Bình Phương. Có người so sánh các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, họ cho rằng, cuốn sau không hay bừng cuốn trước, chúng ta không nên đòi hỏi nhà văn cuốn sau phải hay hơn cuốn trước, cái này khó giống kiểu vụ mùa sau không ai chắc chắn sẽ bội thu hơn vụ trước, có khi mất trắng thì sao? Sáng tác thì chỉ cần cuốn sau khác cuốn trước là được.

Đọc các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, chúng ta thấy tác giả thay đổi khách thể, cái nhìn để cuốn sách luôn mới mẻ. Có thể có người cho rằng, đây là hậu hiện đại, nhưng không phải, đây là Nguyễn Bình Phương. Anh đã làm được nhiều thứ, mang lại cảm xúc mới mẻ cho độc giả".

Nhận xét về cách viết của Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: "Văn Nguyễn Bình Phương viết kỹ, câu chữ có những kết hợp khác lạ, đọc thấy rất mới và sướng. Anh chọn một lối đi riêng và lầm lũi đi theo lối đã chọn, không màng nổi danh, không chạy theo thời thượng văn chương, không nao núng trước sự im lặng đang có đối với tác phẩm của mình. Anh kiên trì thử nghiệm, làm mới, và tin vào sự thành công của việc mình làm.

Thơ của Phương chối bỏ lối luận lý, giãi bày, anh nhấn sâu vào vùng cảm liên tưởng, để những hình ảnh tự cho người đọc nắm bắt. Tiểu thuyết của Phương xáo trộn các hiện thực, đưa nhiều cái ảo vào, buộc người đọc phải theo mình vào một mê cung như cuộc đời. Tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, vì thế, đang kén người đọc, đang mời gọi độc giả cùng tác giả đi vào một mỹ cảm mới. Tuy chưa rộng ra, nhưng ai đã đọc Phương đều thấy có cái khác, đều thấy có một hướng đi như vậy. Giới trẻ nhiều người thích văn Phương. Tôi nghĩ đó là một xu thế".

"Với tiểu thuyết Một ví dụ xoàng, Nguyễn Bình Phương không viết truyện hình sự mà viết tiểu thuyết về thân phận con người. Bởi thế nếu đọc truyện cốt để biết truyện thì không cần đọc chỉ cần nghe kể thế là xong. Cái chính đọc văn chương là đọc cách viết của tác giả. Cho đến nay Nguyễn Bình Phương đã là một nhà văn bề thế ở số lượng và chất lượng các tác phẩm. Anh đã có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của học thuật hàn lâm" - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết thêm.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Kết thúc toạ đàm về tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Bình Phương xúc động chia sẻ: "Trước khi Toạ đàm diễn ra, tôi khá vui, lo, hồi hộp và tò mò, tôi ngại ngần vì mình được nhiều người ưu ái cho làm đối tượng nghiên cứu, so sánh các tác phẩm văn học, tôi tò mò vì muốn biết xem mình đang đứng ở đâu trong văn học đương đại Việt Nam. Tôi cũng muốn biết xem mình khuyết đầy ra sao trong mắt một số nhà nghiên cứu. Thật ra, tôi bước chân vào văn học một cách đầy ngẫu hứng, đầy hoang dại, vì thế những bước chân sáng tác đầu tiên rất tự do. Khi viết nhiều lên, tôi biết phải có ý thức với những điều mình viết. Nó làm tôi bớt tự do hơn, thậm chí tôi đã nghĩ, sáng tác văn học vất vả quá. Tôi từng nghĩ, giá mình có thể trở về thời gian chưa sáng tác thì sẽ bớp áp lực hơn.

Khi viết ra một tác phẩm, nhà văn tiết lộ một phần bí mật của người viết. Các nhà văn khi công bố xong tác phẩm của mình đều có sự tiếp nối âm thầm, là động lực cho họ cầm bút viết tiếp, tôi cũng vậy. Tôi viết để tìm thấy độc giả của mình. Tôi tìm thấy được sự quan tâm của một số nhà phê bình cho tác phẩm của mình. Tôi rất xúc động. Tôi cho rằng, văn học mà thiếu lý luận phê bình chỉ là nghiệp dư, ngẫu hứng. Với những góp ý, mổ xẻ khách quan về tác phẩm của mình rất có ích trong chặng đường đi tiếp theo của tôi. Qua những ý kiến đó, tôi sẽ thấy mình ở đâu, có thiếu xót gì để bổ sung, phấn đấu".

Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 ở Thái Nguyên, tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, hiện là khoa Lý luận, Sáng tác, Phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ông từng là biên kịch tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, biên tập văn học tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong hơn 30 năm qua, Nguyễn Bình Phương luôn bền bỉ sáng tác bằng phong cách nghệ thuật độc đáo với 10 cuốn tiểu thuyết ấn tượng: (Vào cõi, 1991, Bả giời, 1991, Những đứa trẻ chết già, 1994, Người đi vắng, 1999, Trí nhớ suy tàn, 2000, Thoạt kỳ thủy, 2004, Ngồi, 2006, Xe lên xe xuống, 2011, sau đổi tên thành Mình và họ, 2014, Kể xong rồi đi, 2017, Một ví dụ xoàng, 2021).