Xu hướng thị trường

Văn hóa doanh nghiệp là vắc-xin hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi

Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến cộng đồng DN, văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng để doanh nghiệp vực lại tinh thần, bắt nhịp phục hồi.

Ngày 9/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2021.

Mục đích của sự kiện là nhằm tạo một Diễn đàn quy mô quốc gia mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý và nghiên cứu về văn hoá doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong phát triển bền vững kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh. Diễn đàn cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam cho biết: “Càng ngày, văn hóa doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng và được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm xây dựng, trở thành một nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp ngày nay. Do vậy, bàn thảo về văn hóa gắn liền với việc phát triển các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết.

Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng để doanh nghiệp vực lại tinh thần, bắt lại nhịp với tiến trình phục hồi và phát triển hậu Covid -19.

Với chủ đề của diễn đàn năm 2021 là “Tiếp biến văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế”, đại dịch Covid-19 không chỉ làm đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo ra những rạn nứt về tinh thần và trở thành rào cản lớn cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi trong bối cảnh bình thường mới. Văn hóa doanh nghiệp sẽ là liều thuốc, thứ vắc-xin hữu hiệu cho các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 5/12 với chủ đề “Tiếp biến văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế”. 

Theo ông Lê Quốc Vinh, diễn đàn là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý và nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh.

Đây cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Dự kiến tổ chức vào ngày 5/12, diễn đàn sẽ bao gồm các phiên thảo luận về vấn đề tiếp biến văn hóa để phát triển; vai trò của tiếp biến văn hóa đối với phát triển bền vững kinh tế. Bên cạnh đó, là những trao đổi thực tiễn từ góc nhìn của các doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua cũng như những kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan.

Diễn đàn cũng sẽ tiến hành sơ kết 5 năm triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động; tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí trong bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành.

Nói về văn hoá doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cố vấn Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, cho hay: “Tôi muốn nói về vai trò vị trí của doanh nghiệp ở Việt Nam, họ đang làm 5 nhiệm vụ vẻ vang mà chúng ta cần tôn vinh.

Thứ nhất, doanh nghiệp cùng hộ gia đình là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Thứ hai, doanh nghiệp là lực lượng chủ công đóng góp ngân sách Nhà nước, duy trì nguồn thu của quốc gia. Thứ ba, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đóng góp chính sách từ thiện quốc gia, đặc biệt có thể thấy văn hóa “chia sẻ và đồng hành” của doanh nghiệp đã đặc biệt tỏa sáng trong thời kỳ đại dịch vừa qua.

Thứ tư, doanh nghiệp là lực lượng chủ công trong hội nhập quốc tế mà trung tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Cuối cùng, doanh nghiệp là nơi đào luyện nguồn nhân lực nòng cốt làm kinh tế giỏi cho đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Theo ông Lê Doãn Hợp, văn hóa doanh nghiệp là một trong ba trụ cột xây dựng nền văn hóa quốc gia ngày nay. 

Đánh giá về vai trò của văn hóa doanh nghiệp, ông Lê Doãn Hợp đặt văn hóa doanh nghiệp trong bức tranh tổng thể của văn hóa đất nước.

“Con người quý nhất là sức khỏe, thiên nhiên quý nhất là màu xanh, quốc gia quý nhất là văn hóa, trong đó văn hóa doanh nghiệp cùng với văn hóa gia đình, văn hóa công sở (đạo đức công vụ) trở thành 3 trụ cột xây dựng nền văn hóa quốc gia, 3 trụ cột giúp quốc gia thăng hoa”, ông Hợp chia sẻ.

Ông Lê Doãn Hợp cho biết thêm: “Văn hoá doanh nghiệp là nền tảng kinh tế, tôi đi ít nhất khoảng 200 doanh nghiệp thành đạt, 200 trường đào tạo doanh nhân trên thế giới và thấy rằng, không có đào tạo thì sẽ không có sự thăng hoa nền kinh tế. Chúng ta phải xem doanh nghiệp mong cái gì, cần cái gì? Nghe doanh nghiệp nói thì mới “gỡ” được những cái khó cho họ.  Tôi cho rằng, thái độ của người nghe sẽ quyết định nội dung của người nói, cách xử lý sau khi nghe của người nghe sẽ khuyến  khích người nói sẽ nói tiếp hay không?

Tôn vinh văn hoá doanh nghiệp là là tôn vinh quốc gia, làm thế nào để văn hoá doanh nghiệp trở thành dấu ấn, tài sản, thậm chí thành di sản của quốc gia. Nếu không tôn vinh, dồn sức cho doanh nghiệp, kinh tế sẽ lẹt đẹt mãi, không vươn lên được”.

Nhìn nhận về cách thức mà nhà lãnh đạo doanh nghiệp giúp cho người lao động của mình vượt qua được khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19, theo PGS.TS. Dương Thị Liễu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, trước hết, nhà lãnh đạo cần hiểu, thấu cảm, đồng hành, chia sẻ với người lao động. Bởi trước nhiều biến động, người lao động đang bi quan và trông chờ vào người lãnh đạo, do đó người lãnh đạo phải kiên cường và lạc quan để góp phần củng cố niềm tin cho người lao động.

Bên cạnh đó, bà Liễu cũng cho rằng lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải có các giải pháp thực tế để chia sẻ với sự khó khăn của người lao động bằng vật chất để giúp họ trụ vững và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp.

Tại sự kiện, đại diện BTC của diễn đàn cũng chia sẻ thêm: “Hàng năm, ngày 10/11 được chọn làm ngày văn hoá doanh nghiệp, nếu không có dịch bệnh thì chúng tôi sẽ tổ chức diễn đàn vào ngày này nhưng do diễn biến của dịch Covid-19 nên chúng tôi lùi vào ngày 5/12. Dự kiến, chúng tôi sẽ họp online là chính, BTC đang xem diễn biến dịch ở Hà Nội để quyết định. Thành phần dự họp sẽ là những doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh ở Việt Nam tham dự, bên cạnh đó là khoảng 50-70 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, được bằng khen của Thủ tướng”.

Đinh Lạc Thành - Mạnh Quốc thực hiện