Góc nhìn luật gia

Vận động khách hàng làm “đơn không tố cáo”, lãnh đạo Địa ốc Alibaba có được giảm hình phạt?

Sau khi lãnh đạo Địa ốc Alibaba bị khởi tố và bắt tạm giam, nhiều khách hàng đã kéo đến công ty đòi tiền. Ngược lại, nhiều người còn được công ty này vận động làm “đơn không tố cáo”. Theo luật sư, văn bản này không có giá trị pháp lý khi cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án.

Ngày 19/9, công ty CP Địa ốc Alibaba vẫn hoạt động bình thường như thường lệ, sau khi bị bộ Công an và Công an TP.HCM phong tỏa để khám xét suốt 12 tiếng ngày 18/9.

Ghi nhận chung cho thấy, có rất nhiều khách hàng không yên tâm sau sự cố lãnh đạo công ty bị bắt, nên đã kéo đến các văn phòng, trụ sở để đòi lại tiền đầu tư.

Tuy nhiên, nhân viên bán hàng công ty giải thích, khách hàng chưa đến ngày nhận trả lãi nên chưa được nhận tiền. Còn trường hợp muốn rút hết vốn về thì họ nói để báo cáo cấp trên.

Lãnh đạo công ty Alibaba đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trò chuyện PV báo Người Đưa Tin, chị N.T.V., ngụ TP.Hồ Chí Minh bức xúc cho biết, mình đã đầu tư ở công ty Alibaba hơn 2 năm qua với hàng chục lô đất trị giá hàng tỷ đồng.

“Đến nay, tôi chỉ còn đầu tư có 10 lô đất ở TP.Bà Rịa, tỉnh Vũng Tàu. Do biết được công ty này lừa đảo sớm, nên tôi đã rút dần vốn. Sau khi hay tin lãnh đạo công ty Alibaba bị bắt, tôi không ngạc nhiên”, chị V. nói.

Chị V. còn cho biết, mình và nhiều khách hàng khác khi đến văn phòng công ty Alibaba còn được vận động điền vào “đơn không tố cáo” mà phía họ đã soạn sẵn.

Các nhân viên Alibaba cho hay, việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Theo đó, công ty Alibaba hướng dẫn khách hàng gửi đơn đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM về việc không tố cáo doanh nghiệp này.

Nội dung đơn viết: “Khi tôi đầu tư đã được tư vấn và tôi cũng tìm hiểu thông tin kỹ càng cho nên việc đầu tư của tôi là tự nguyện.

Và nay tôi thấy thông tin báo chí đưa không đúng về công ty cổ phần Địa ốc Alibaba nên tôi mong cơ quan chức năng điều tra, xem xét lại thông tin và sớm đưa ra kết luận để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khi đầu tư”.

Một nhân viên tên T. của văn phòng giao dịch ở TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay: “Người mua nên điền thông tin và ký vào đơn này, để công ty tập hợp lại gửi cho bộ Công an.

Nếu khách hàng nào không trực tiếp đi nộp được, công ty sẽ cho người đến tận nhà lấy. Nếu khách hàng muốn đi lên TP.HCM đến tận trụ sở công ty, tụi em sẽ lo xe để khách hàng đi”.

"Đơn không tố cáo" mà công ty Alibaba đưa ra hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Tri Đức, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá: “Đơn không tố cáo này hoàn toàn không có giá trị, không thể là tình tiết giảm nhẹ khi vụ án đã được cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố. Đây cũng không thể là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi cơ quan chức năng tiến hành tố tụng”.

Đồng thời, luật sư Đức cùng trình bày, khung hình phạt cao nhất dành cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị can Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT và bị can Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc của công ty Alibaba bị cáo buộc là tù chung thân.

“Tội danh này được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù cao nhất từ 12 đến 20 năm, hoặc tù chung thân”, luật sư Đức cho hay.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tri Đức, để đảm bảo quyền lợi cho mình, khách hàng của công ty Alibaba nên trình báo với cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) về tất cả các giao dịch đối với công ty địa này.

Khách hàng nào “may mắn” ký hợp đồng mua được các thửa đất có đầy đủ hồ sơ pháp lý phù hợp với  luật định (nếu có) thì mặc nhiên quyền lợi khách hàng sẽ được bảo đảm.

Ngược lại, nếu khách ký hợp đồng mua các thửa đất không hồ sơ pháp lý do công ty Alibaba làm giả, thì các hợp đồng đó coi như vô hiệu.

“Theo luật định, ngoài trách nhiệm hình sự thì công ty Alibaba và các cá nhân chủ mưu có trách nhiệm bồi thường, hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của khách hàng.  Tuy nhiên, việc nhóm này khắc phục, bồi thường thiệt hại cho toàn bộ khách hàng rất khó xảy ra.

Quyền lợi của khách hàng chỉ được khắc phục một phần nếu các cơ quan tố tụng thu hồi được phần tài sản bị chiếm đoạt. Nếu quá trình điều tra, truy tố và xét xử vẫn không thu hồi được thì khách hàng đã đóng tiền vào Alibaba sẽ trắng tay”, luật sư Tri Đức nói.

Theo thông tin chính thức, căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo bộ Công an, cục Cảnh sát Kinh tế và kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa chỉ số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh) và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc công ty Alibaba về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, bị can Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam. Tuy các dự án này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép… nhưng công ty Alibaba đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Liên quan vụ việc, cơ quan CSĐT bộ Công an phối hợp cùng Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.