Thế giới

Vấn đề nổi cộm nhất trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trở thành thành viên thứ hai trong nội các của Tổng thống Joe Biden tới thủ đô Trung Quốc trong 3 tuần gần đây.

Bộ Tài Chính Mỹ hôm 2/7 cho biết, Bộ trưởng Janet Yellen sẽ tới Trung Quốc vào ngày 5/7, một động thái quan trọng nhằm giúp ổn định mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chuyến đi của bà Yellen diễn ra chỉ 3 tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Trung Quốc, cho thấy những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm khôi phục đường dây liên lạc với những người đồng cấp ở Bắc Kinh sau khoảng thời gian đặc biệt căng thẳng và bất ổn.

Mặc dù chuyến thăm đánh dấu một sự tham gia cấp cao khác giữa hai siêu cường, nhưng không cả hai bên đều không kỳ vọng đạt được bước đột phá đáng kể.

Các cuộc trò chuyện trong chuyến đi 3 ngày của bà dự kiến sẽ mang tính “xây dựng” và “thẳng thắn”, theo một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ. Cũng theo vị quan chức này, bà Yellen sẽ không gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Các biện pháp hạn chế từ 2 phía

Bà Yellen dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng như các công ty hàng đầu của Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc. Bà cũng sẽ thảo luận về những thách thức toàn cầu và những lĩnh vực hai bên cùng quan ngại, ví dụ như cách để quản lý cạnh tranh có trách nhiệm giữa hai cường quốc, quan chức này cho biết.

Ngoài ra, các cuộc họp của bà Yellen có khả năng đề cập đến các vấn đề nhạy cảm đã diễn ra trong nhiều năm.

Chính quyền Mỹ đã thực hiện nhiều động thái để giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với chất bán dẫn, công nghệ sinh học và công nghệ nhạy cảm cung cấp tài nguyên cho robot, trí tuệ nhân tạo và máy tính cao cấp.

Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) hồi tháng 5 đã ra lệnh cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia mua sản phẩm của nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất của Mỹ Micron với cáo buộc các sản phẩm này gây rủi ro bảo mật. Ảnh: Financial Times

Trong khi đó, Trung Quốc đã khiến Mỹ thất vọng với việc miễn cưỡng đàm phán lại các điều khoản cho vay đối với các nước nghèo đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ, đồng thời duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga bất chấp việc nước này châm ngòi cho cuộc xung đột với Ukraine. 

Bộ trưởng Tài chính dự kiến ​​sẽ phản đối lệnh cấm gần đây của Trung Quốc nhằm vào Micron Technology, nhà sản xuất chip bộ nhớ sử dụng trong điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác.

Hồi tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã cấm các công ty xử lý thông tin quan trọng mua vi mạch do Micron sản xuất sau khi chính quyền Biden cấm các nhà sản xuất chip Trung Quốc tiếp cận các công cụ quan trọng cần thiết để sản xuất chip tiên tiến. Các con chip của Micron bị cơ quan giám sát internet của Trung Quốc coi là gây ra “các vấn đề an ninh mạng tương đối nghiêm trọng”.

Trong khi đó, Mỹ đang cân nhắc tăng cường các lệnh cấm xuất khẩu để ngăn Trung Quốc sử dụng chip trí tuệ nhân tạo (AI) của họ nhằm chế tạo vũ khí và hiện đại hóa quân đội.

Nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia đã điều chỉnh hai sản phẩm chip AI A800 và H800 cho thị trường Trung Quốc sau khi bị chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 8/2022. Giờ đây, ngay cả những sản phẩm này cũng sẽ bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc nếu không có giấy phép.

Quyết định này có thể sẽ được công bố sau chuyến thăm Bắc Kinh của bà Yellen, theo Wall Street Journal.

Căng thẳng dự kiến gia tăng  

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Blinken vào ngày 19/6 đã làm dịu căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng không ngăn được Washington đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế hơn.

Ông Blinken cho biết trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp mặt rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng các công nghệ của Mỹ để chống lại người dân Mỹ.

Hồi tháng 4, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Tổng thống Biden chuẩn bị ký một sắc lệnh nhằm hạn chế các quỹ của Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc.

Ban đầu, ông Biden dự định công bố các hạn chế đầu tư trước khi Nhật Bản tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 19-21/5. Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy. Hôm 10/6, tờ Nikkei cho biết, Nhà Trắng vẫn đang cố gắng lôi kéo các đồng minh chủ chốt tham gia và điều hướng sự phản kháng trong nước tại Quốc hội và Phố Wall.

Sauc cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng các công nghệ của Mỹ để chống lại người dân Mỹ. Ảnh: SCMP

Bloomberg mới đây cho biết, các hạn chế đầu tư của chính quyền Biden sắp hoàn thành và sẽ sẵn sàng được công bố vào cuối tháng 7.

Ngay sau đó, một nhà báo có trụ sở tại Sơn Tây, Trung Quốc, đã đăng một bài báo với tiêu đề: “Bà Yellen muốn đến thăm Trung Quốc nhưng ông Biden đang bận rộn chuẩn bị các biện pháp trừng phạt. Mỹ liệu có chân thành?”

“Điều không thể phủ nhận đó là động thái của chính phủ Mỹ thật lố bịch. Mỹ đe dọa sẽ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế nhằm buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán. Đây là một thủ thuật cũ, giống như những gì họ đã làm trước chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken”, nhà báo này nhận định.

“Tháng trước, Trung Quốc đã cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng của mình mua sản phẩm từ Micron. Nếu chính quyền Mỹ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu chip mới đối với Trung Quốc, liệu phía Trung Quốc có tung ra các biện pháp đáp trả không? Có khả năng cuộc chiến chip giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới”, người dẫn chương trình của Phoenix TV Ren Chiming cho biết.

Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, CNN, Asia Times)