Tài chính - Ngân hàng

Vẫn còn tiền thưởng Tết, nên gửi ngân hàng nào để có lãi suất cao?

Sau Tết, lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư tăng cao. Một số dòng tiền sẽ đổ vào kênh đầu tư ngân hàng để cất trữ và lấy lãi. Do đó đây là thời điểm nhiều người quan tâm đến mức lãi suất ngân hàng.

Hôm nay (11/2), cả nước sẽ bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết dài. Đây cũng là lúc nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư bắt đầu tăng mạnh trở lại và tìm đến các kênh đầu tư, cất trữ.

Đối với một bộ phận dân cư thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh ưa thích vì tính an toàn và tiện lợi.

Mặc dù lãi suất không phải là tất cả lý do quyết định việc gửi tiết kiệm song vẫn là một trong những yếu tố quyết định việc lựa chọn ngân hàng của người dân.

Lãi suất ngân hàng đang có sự chênh lệch khá lớn.

Theo khảo sát trên thị trường hiện nay, lãi suất niêm yết tại các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể.

Hiện nay, ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất của các ngân hàng không có nhiều khác biệt do phải đáp ứng trần lãi suất huy động. Các ngân hàng tư nhân hầu hết đều chào mức lãi suất từ 5-5,4%/năm với các kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng.

Trong khi đó, Vietcombank, BIDV và VietinBank đều chỉ huy động với mức lãi suất 4,5-5%/năm.

Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng ở các ngân hàng lại có dải biến động khá dài, từ 5,5-8%/năm. Trong đó, VietCapitalbank, SCB,…đang chi trả lãi suất cao nhất với 8-8,1%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân lớn cũng rất chênh lệch. Sacombank là 6,5%/năm, MBBank là 6,3%/năm, Techcombank là 7%/năm, ở ACB là 6,8%/năm.

Nhóm Big 4 ngân hàng thương mại Nhà nước Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank niêm yết ở mức tối đa chỉ 5,5%/năm.

Ở kỳ hạn 1 năm, ngoại trừ một số nhà băng như SCB, VietCapitalbank có lãi suất khá cao trên 8%, các ngân hàng còn lại đều niêm yết xung quanh mức 7%/năm, chẳng hạn như VPBank là 7,05%/năm, MBBank là 7,2%/năm.

Nhiều khách hàng hiện nay quá chú tâm vào quảng cáo "lãi suất cao nhất lên tới" của các nhà băng mà quên mất các điều kiện đi kèm, dẫn tới không tránh khỏi hụt hẫng do không được nhận lãi suất cao như mong đợi, đặc biệt là ở các kỳ hạn dài.

Chẳng hạn ở kỳ hạn 18 tháng, VIB huy động với lãi suất cao nhất là 7,9%/năm nhưng chỉ với khách hàng gửi trên 100 triệu và bằng hình thức tiết kiệm trực tuyến. Hay tại ACB lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 18 tháng là 7,5%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho món tiền trên 10 tỷ, ở ngoài khu vực TP.HCM.

Hay kỳ hạn dài hơn là 36 tháng, VPBank huy động với mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm, nhưng cho món tiền từ 10 tỷ trở đi; trong khi dưới 500 triệu chỉ được hưởng 7,6%/năm.

Nhìn chung, các ngân hàng thương mại Nhà nước như Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank vẫn có mức lãi suất thấp nhất trên thị trường, thường kém hơn từ 1-1,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, cùng là ngân hàng tư nhân, một số như SCB, VietCapital, VIB, VPBank,… đang có mặt bằng lãi suất nhỉnh hơn so với MBBank, Techcombank, SHB, LienVietPostBank.

Đó là chưa kể, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán khoảng 1-2 tuần, lãi suất huy động có dấu hiệu giảm ở một số ngân hàng, áp dụng từ đầu tháng 2/2019.

Trong đó, ACB đã giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống 5,1%/năm (giảm 0,1%/năm), trong khi tăng nhẹ ở kỳ hạn 3 tháng lên 5,4%/năm (tăng 0,1%/năm). Còn VietinBank giảm 0,3% ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng. Trước đó, BIDV cũng giảm lãi suất kỳ hạn 5 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm.

Bên cạnh đó, vào thời điểm chuyển giao giữa năm mới 2019 và năm cũ 2018 là khoảng thời gian nhạy cảm với việc cạnh tranh huy động, giữa các ngân hàng xảy ra cuộc đua lãi suất.

Gần đây nhất, Eximbank và VIB đã công bố biểu lãi suất mới kể từ thời điểm bắt đầu giao dịch năm mới với việc tăng lãi suất và thêm nhiều ưu đãi, sản phẩm huy động trong biểu.

VIB nâng lãi suất kì hạn 6 - 9 tháng từ 6,3% - 6,8%/năm lên 7 - 7,5%/năm; kì hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng điều chỉnh về 7,3% - 7,8%/năm. Duy nhất ở kì hạn 36 tháng lãi suất đối với số tiền dưới 100 triệu đồng giảm từ 7,4% về 7,3%/năm. Mức tăng từ 0,1 - 0,7 điểm %.

Trước đó, vào cuối tháng 12, nhiều ngân hàng cũng rục rịch tăng lãi suất như BIDV, ngân hàng Đông Á, ngân hàng Bắc Á, ABBank,...

Cụ thể, ngân hàng Bắc Á tăng lãi suất kì hạn 9 tháng từ 7,5% lên 7,6%/năm; kì hạn 12 tháng từ 7,7% lên 7,9%/năm. BIDV tăng lãi suất kì hạn 5 tháng từ 5% lên 5,5%/năm, lãi suất kì hạn 9 tháng từ 5,5% lên 5,6%/năm.

Ngân hàng Đông Á tăng lãi suất ở nhiều kì hạn ngắn, tăng lãi suất kì hạn 1 tháng - 2 tháng từ 5,3% - 5,4% lên 5,5%/năm; tăng lãi suất kì hạn 6 - 8 tháng lên 7,1%/năm; lãi suất kì hạn 9 tháng từ 7,1% lên 7,2%/năm.

Cùng với đó, ABBank tăng lãi suất các kì hạn từ 6 - 9 tháng từ 6,3 - 6,5% lên 6,8%/năm, lãi suất kì hạn 12 tháng tăng từ 7,4% lên 7,7%/năm.

H.Y (tổng hợp)