Tiêu dùng & Dư luận

Vải thiều theo máy bay Nam tiến, giá thanh long tăng cao kỷ lục

Vụ mùa năm nay, nông dân trồng vải và thanh long vô cùng phấn khởi vì giá hai loại trái cây này đang tăng cao. Riêng giá trái thanh long đang cao kỷ lục, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2018.

Vải thiều "hàng air"

Còn gần một tháng nữa vải mới vào chính vụ nhưng những ngày này, dọa qua nhiều cửa hàng ở TP.HCM đã thấy bày bán rất nhiều. Tuy nhiên, vì là vải đầu mùa nên giá khá cao, lên tới cả trăm nghìn đồng.

Một tiểu thương ở quận 5 (TP.HCM) cho biết, do vải chỉ có một vải nên thấy cửa hàng trái cây Hà Nội đăng bán là chị đặt liền. Vải đầu mùa lại đi đường hàng không nên chị phải trả tới 150.000 đồng/kg.

"Số lượng hàng bán tại các cửa hàng không nhiều chỉ vài chục kg nên chúng có giá khá cao. Dẫu vậy, vải đầu mua ăn vẫn còn chua chứ không đậm đà như chính vụ", chị Hoa nói với báo VnExpress.

Vải thiều theo máy bay “Nam tiến” nên giá tăng cao.

Chị Loan, chủ cửa hàng trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) cho biết, giá vải năm nay cao hơn năm ngoái. Cùng kỳ năm ngoái vải đầu mùa được chị bán với giá 60.000 đồng thì nay tăng lên 80.000 đồng một kg.

Tuy nhiên, theo lời tiểu thương này thì đây là vải của nhà vườn ở miền Nam chứ không phải miền Bắc, chất lượng không bằng, lại đỡ chi phí vận chuyển nên giá thành thấp hơn.

Theo tìm hiểu được biết năm nay vải mất mùa, trong khi đó, vải sớm được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên an toàn, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao. Riêng với hàng GlobalGAP, đa phần được các đơn vị đặt hàng đi xuất khẩu nên cần mua, thương lái phải mua với số lượng lớn.

Không chỉ vải được bán giá cao tại Sài Gòn mà ở Hà Nôi, sản phẩm này cũng tăng giá mạnh hơn so với năm ngoái. Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên, loại rẻ nhất nhập là 40.000–45.000 đồng/kg loại xô, còn loại 1 có giá 60.000-80.000 đồng. Riêng giá bán lẻ tại các chợ và cửa hàng thực phẩm sạch dao động 70.000-100.000 đồng/kg.

Hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng/kg). Mức giá này khiến các nhà vườn bớt lo âu khi sản lượng thấp.

Khác với mùa vải thiều bội thu của năm 2018, năm nay, sản lượng vải thiều huyện Lục Ngạn, Bắc Giang giảm sút nhiều. Dù được chăm sóc kỹ, đúng quy trình nhưng do thời tiết nóng ấm vào dịp Tết nên tỷ lệ vải ra hoa đậu quả rất thấp, thường các vườn vải chỉ đạt khoảng 50% đậu quả, vườn nào cao nhất cũng chỉ đạt 75% vải đậu quả.

Theo dự báo của huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay đạt hơn 80.000 tấn, trong đó có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm. So với vụ vải thiều trước, năm nay sản lượng vải của Lục Ngạn giảm gần 50%.

Do đó, giá vải thiều đang ở mức cao, mức bình quân giá tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng một kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng một kg).

Thanh long lên giá gấp 5 lần

Không chỉ vải được giá mà trái thanh long Bình Thuận cũng đang có những tín hiệu rất tích cực.

Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, hiện giá trái thanh long ở địa bàn đang tăng cao, dao động từ 17.000 - 23.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục so với thời điểm cùng kỳ năm 2018.

Theo người dân địa phương, cùng kỳ năm 2018, giá thanh long ở mức thấp, chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại giá thanh long đã tăng gấp 4-5 lần.

So với cách đây hơn một tháng, giá thanh long chỉ khoảng 16.000 - 17.000 đồng/kg thì giờ cũng đã tăng gấp đôi.

Giá thanh long lên gấp 5 lần cùng kỳ năm 2018.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến thanh long không đạt tỷ lệ để xuất khẩu, hàng trở nên khan hiếm, do đó khiến giá thanh long tăng cao.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (huyện Hàm Thuận Nam), cho biết hiện công ty đưa ra mức giá thu mua trên 23.000 đồng/kg nhưng vẫn không có hàng. Đây là mức giá kỷ lục, tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, theo những hộ trồng thanh long lâu năm ở tỉnh Bình Thuận, đây là lứa thanh long chong đèn nghịch vụ cuối cùng trong năm, sắp vào hàng mùa nên nhiều bà con sợ giá giảm nên sản xuất hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Lan (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết thời điểm cuối vụ nghịch này, bà quyết định không chong đèn nữa do rút kinh nghiệm lứa năm ngoái giá thanh long xuống thấp, gia đình lỗ nặng.

Ông Nguyễn Văn Tám (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam) cũng tiếc nuối khi thấy thanh long đang tăng giá cao mà không có hàng để bán vì trước đó 1 tháng, gia đình ông đã ngừng chong đèn cho vụ nghịch.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, giá thanh long tăng đột biến do đây là lứa chong đèn nghịch vụ cuối cùng trong năm, sắp vào hàng mùa, nhiều nông dân sợ giá giảm nên họ sản xuất hạn chế. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho thanh long không đạt tỉ lệ để xuất khẩu, trở nên khan hiếm.

Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận đạt hơn 30.000 ha, sản lượng xấp xỉ khoảng 600.000 tấn, trong đó diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt hơn 10.000 ha. Khoảng 15% sản lượng thanh long Bình Thuận tiêu thụ nội địa, 85% xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có 3%-5% xuất khẩu chính ngạch, còn lại bán qua biên mậu mà chủ yếu là qua thị trường Trung Quốc.

Hiếu Nguyễn