Tài chính - Ngân hàng

Vạch trần chiêu thức hoạt động của tổ chức “ma” và hậu quả khôn lường khi mua bán hồ sơ giả (kỳ cuối)

Theo điều tra của PV Người Đưa Tin, đa phần các dịch vụ cung cấp các loại giấy tờ, tài liệu như đã đề cập ở các kỳ trước đều là “ma”. Dù có thành lập doanh nghiệp, có website hoạt động nhưng đến thực tế, PV phát hiện các địa chỉ đó đều là giả mạo.

Ăn cắp địa chỉ ngân hàng

Trước khi lật tẩy các chiêu trò ma mãnh của các đối tượng chuyên bán hồ sơ tài chính “ma”, hiện trên nhiều trang web còn đăng nhan nhản dịch vụ như làm thủ tục, bao đậu visa, lo hồ sơ đi du học..., thậm chí là cả dịch vụ xác nhận kinh nghiệm làm việc. Trong vai người đang cần hồ sơ có kinh nghiệm làm việc để xin vào một công ty mới, PV liên hệ đến người tên Hải ở quận 5, TP.HCM.

Theo đó, Hải tự xưng là Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ Danka, tại 258 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5, TP.HCM. Qua trao đổi, Hải thông tin: “Hiện nay, nhiều người cần xác minh kinh nghiệm, bởi, hầu hết các công ty đều yêu cầu và tuyển người có kinh nghiệm. Đặc biệt là đối với những người từng ở vị trí nhân viên bình thường, có mức lương thấp nay muốn xin ở công ty khác với vị trí quản lý, giám đốc, quản đốc... với mức lương cao hơn”.

“Chúng tôi sẽ giúp cho họ có được bộ hồ sơ đẹp để có thể dễ dàng thương lượng mức lương, vị trí công việc khi đi xin ở công ty mới. Hơn nữa, hiện nay, nhiều sinh viên cũng khó khăn trong việc tìm các doanh nghiệp dễ thực tập. Chúng tôi cũng giúp luôn cho họ những việc như xác nhận có đóng dấu của công ty về thời gian thực tập, viết lời nhận xét đánh giá tốt để thuận lợi hơn khi đi ra trường xin việc”, Hải nói.

Thực tế, địa chỉ nêu trên là 1 cửa hàng chuyên về âm thanh ô tô, dán cách nhiệt. Đây cũng là chiêu trò phổ biến mà các đối tượng trưng ra nhằm lừa đảo người nhẹ dạ cả tin. Hay như công ty Tài chính Nguyễn Lê mà PV đã đề cập ở các kỳ trước, chỉ ghi chung chung trụ sở ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội, còn số bao nhiêu thì không ai rõ. Văn phòng tại TP.HCM của công ty trên cũng chỉ ghi đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3... Với chiêu thức này, khó ai biết các đối tượng này hoạt động ở đâu. Thực tế, hoàn toàn không hề có trụ sở công ty, trên website chỉ để thông tin liên hệ.

Tương tự, công ty Tư vấn Quốc tế Bảo Tín, có địa chỉ hội sở tại 733 Cách Mạng Tháng 8, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM. Cùng với đó là rất nhiều chi nhánh trên cả nước. Theo tìm hiểu, điều tra, xác minh của PV cho thấy, địa chỉ 733 Cách Mạng Tháng 8 là phòng giao dịch Cách Mạng Tháng 8 của ngân hàng Bắc Á, hoàn toàn không có trụ sở của công ty Bảo Tín như các đối tượng quảng cáo.

Theo địa chỉ mà các công ty này cung cấp có rất nhiều nơi. Ví dụ, hội sở của công ty Tư vấn Dịch vụ du học Bảo Tín, tại 85 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, PV đến đó hoàn toàn không có công ty nào làm dịch vụ này. Thực chất đây là 1 tòa cao ốc, có số từ 81 đến 85 Hàm Nghi. Hay tại chi nhánh 203 Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, TP.HCM cũng không hề có dịch vụ nào. Địa chỉ này vốn là trụ sở của một chi nhánh ngân hàng!

Đây toàn là những địa chỉ “ma” do các đối tượng vẽ ra để đánh lừa người có nhu cầu. Thế nhưng để làm tin, các đối tượng này thường lấy trụ sở của các ngân hàng làm địa chỉ khi giới thiệu. Đây cũng là đặc điểm chung của các đối tượng lừa đảo theo phương thức này.

Gian di h sơ, người vay s nm trong “s đen”

Ông Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP tại TP.HCM cho biết: “Thời gian vừa qua, chúng tôi đã từ chối nhiều bộ hồ sơ không đủ điều kiện để xác minh nhằm cho vay với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trong số đó là vay tín chấp, vay thế chấp, mở thẻ tín dụng”.

“Nhiều hồ sơ khai địa chỉ không có thật hoặc có thật nhưng không phải là trụ sở của doanh nghiệp đó. Thậm chí, có địa chỉ tồn tại doanh nghiệp nhưng người đứng tên trong hồ sơ không làm việc ở đó. Những bộ hồ sơ này rất tinh vi nên cũng rất khó khăn trong việc xác minh thông tin”, ông Châu cho biết thêm.

Theo kinh nghiệm của một cựu nhân viên ngân hàng, các quy định trong lĩnh vực này vẫn có những kẽ hở nên nếu nhân viên ngân hàng nào làm bậy thì rất khó phát hiện. “Có những sổ tiết kiệm của ngân hàng là thật 100%, do một số nhân viên ngân hàng tiếp tay, giúp sức. Nói vừa thật vừa giả là bởi sổ tiết kiệm là thật nhưng số tiền ghi trên sổ là giả. Khi đó, họ sẽ lập sổ tiết kiệm có số tiền và chữ ký con dấu của ngân hàng đầy đủ nhưng sau đó không duyệt trên hệ thống”, người này cho biết.

Cũng theo vị cán bộ trên thì sổ tiết kiệm dạng này được liệt vào danh sách “sổ bị hư hỏng” và sẽ quay trở về ngân hàng kịp trước các cuộc thanh kiểm tra và nhiều quản lý - giám sát ngân hàng không phát hiện được, do không thực hiện chặt chẽ khâu kiểm kê định kỳ hoặc đột xuất. Do đó, hành vi này đã qua mắt được các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên việc có sổ tiết kiệm và các loại giấy tờ khác để chứng minh thu nhập, chứng minh tài chính (nếu là giả hoặc không đúng) cũng rất khó có thể qua mắt được các lãnh sự quán khi đi phỏng vấn, xin visa. Bởi họ thường đề nghị ngân hàng xác minh số tài sản của những người xin visa, nhập cảnh vào nước.

Thạc sĩ Nguyễn Chí Thành, đại học Công nghệ TP.HCM cho biết: “Những cách làm gian dối, đặc biệt là trong việc chuẩn bị hồ sơ... rất khó có thể qua mặt được các nhân viên lãnh sự quán. Hiện nhiều quốc gia đang siết chặt việc nhập cảnh, do đó, một khi đã phát hiện gian dối trong hồ sơ thì dấu vết của anh ta sẽ để lại và được ghi chú cho những lần sau. Nếu tiếp tục xin visa nước đó và thậm chí các nước khác sẽ có “vết”, khi đó, sẽ rất khó khăn, gần như nắm chắc phần rớt. Mọi thứ không dễ như nhiều người tưởng”.

Mới đây, Thanh tra ngân hàng Nhà nước cùng đã có văn bản cảnh báo toàn hệ thống về một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong gửi tiền, vay tiền, cầm cố, bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng. Đồng thời, ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải triển khai các biện pháp và thực hiện quyết liệt nhằm phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Đó là chưa nói đến việc người tham gia mua bán các loại giấy tờ, tài liệu này dù cố ý hay không, nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử lý rất nặng. LS.Trương Thanh Hồng, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Trong trường hợp người bán hoặc cung cấp các loại hợp đồng lao động, xác nhận lương, sổ tiết kiệm... giả thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”.

Nếu người sử dụng các loại giấy tờ đó không cố ý để chiếm đoạt, gây thiệt hại về tài sản cho các tổ chức tín dụng mà chỉ có ý định sử dụng để được vay tiền nhanh thì bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Riêng trường hợp cố ý nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng, có giá trị từ 2 triệu trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Trường hợp biết rõ người sử dụng các loại giấy tờ nêu trên nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng thì những tổ chức, cá nhân cung cấp hợp đồng lao động, bảng xác nhận lương, sổ tiết kiệm... có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm”, luật sư Hồng nói thêm.  

Xem thêm: 

Vạch trần "thủ thuật" giúp vay tiền ngân hàng bằng hồ sơ ma (kỳ 1)

Sự thật phía sau dịch vụ mở sổ tiết kiệm trong chớp mắt (kỳ 2)

Chí Thanh