Dân sinh

Vaccine giả chống dịch tả heo châu Phi xuất hiện khiến người dân hoang mang

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM khẳng định: "Tôi khẳng định đến nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa dịch tả heo châu Phi. Các nước trên thế giới vẫn đang nghiên cứu, hy vọng sẽ có vaccine trong thời gian sớm nhất. Do đó những kẻ rao bán vaccine ngừa dịch này là lừa đảo. Đó là tội ác!".

Lợi dụng lúc bà con hoang mang về dịch tả heo châu Phi, một vài cá nhân đã rao bán vaccine giả nhằm trục lợi.

Trước thông tin này, trả lời báo Tiền Phong, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM khẳng định: "Tại một số địa phương gần đây xuất hiện một số đối tượng rao bán vaccine ngừa dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, đây là vaccine giả nhằm đánh lừa người chăn nuôi".

Theo Bộ NN&PTNT, quyết liệt phòng chống dịch tả heo châu Phi nhằm hai mục tiêu: Bảo vệ đàn heo của người chăn nuôi và ổn định giá cả cho người tiêu dùng.

Dịch tả heo châu Phi đang hoành hành khiến bà con lâm vào cảnh khó khăn. Nhằm khống chế không cho dịch lan rộng, rạng sáng ngày 8/6, Đoàn kiểm tra liên ngành do ban Quản lý ATTP phối hợp với các ngành chức năng đã làm việc với các chốt kiểm dịch, chợ đầu mối nhằm kiểm soát tình hình dịch tả heo châu Phi.

Đoàn kiểm tra liên ngành do ban Quản lý ATTP phối hợp với các ngành chức năng đã làm việc với các chốt kiểm dịch, chợ đầu mối nhằm kiểm soát tình hình dịch tả heo châu Phi.

Được biết, các chốt trực 24/24 kể cả ngày nghỉ. Tại các chốt có nhiệm vụ kiểm soát không cho dịch bệnh lây lan sang các vùng lân cận.

Theo ban Quản lý ATTP TPHCM, TP.HCM là 1 trong 9 địa phương tới thời điểm này chưa có dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên tại đây, các ban kiểm tra nghiêm ngặt nguồn nhập heo, khi xuất hiện các con heo có dấu hiệu bệnh, lở mồm long móng, heo chết bất thường sẽ ngay lập tức tiêu huỷ và xử lý.

Đồng thời đơn vị này kiên quyết không để xảy ra tình trạng giết mổ lậu. Hiện tại, đã có 54 tỉnh thành xuất hiện dịch, trên 2 triệu con heo của cả nước bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi.

Đại diện sở Công Thương TP.HCM cho hay, tính từ ngày 25/2 đến nay, nguồn heo nhập từ Đồng Nai để giết mổ chiếm 46,41%. Phần còn lại thuộc về các địa phương như Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa-Vũng Tàu (8,01%).

Trả lời báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố có kế hoạch cấp đông thịt heo để dự trữ sẽ tốn nhiều chi phí nên doanh nghiệp cần được hỗ trợ kinh phí.

Lực lượng chức năng kiểm tra kỹ càng thịt heo trước khi nhập vào thành phố.

Tuy nhiên, do thói quen của người tiêu dùng là sử dụng thịt nóng (thịt tươi sống) nên cần phải tuyên truyền để người dân sử dụng thịt đông lạnh, thịt mát để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 12/5, dịch bệnh đã xuất hiện tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh thành.

Tổng số heo bị bệnh, tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm hơn 4% tổng đàn heo của cả nước, gây thiệt hại lớn trực tiếp cho ngành chăn nuôi, cho nền kinh tế và tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nói: "Địa phương nào để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép thì UBND TP.HCM sẽ có văn bản chính thức để phê bình các quận huyện đó.

Giết mổ số lượng lớn, công khai như vậy không lẽ địa bàn dân cư không nắm bắt. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh an toàn thực phẩm và người buôn bán chân chính. Chủ tịch UBND quận huyện nào để xảy ra “nổ dịch” sẽ phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP.HCM".

Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh ở loài heo, tỷ lệ chết lên đến 100%.

Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2016 đến nay, bệnh xuất hiện tại trên 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước còn lại là Trung Quốc, Mông Cổ).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai quyết liệt, khá đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nghề chăn nuôi heo, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi.

Vì vậy, phòng, chống tốt và tổ chức khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng đối với các địa phương hiện nay.

Minh Anh (tổng hợp)