Đời sống

Uống nước đun sôi để nguội lâu ngày có tốt cho sức khỏe?

Nước lọc đun sôi sẽ giúp diệt vi khuẩn, nhưng tại sao nhiều người khuyên không nên uống nước để nguội sau nhiều giờ mà chỉ uống trong ngày.

Mỗi thực phẩm đều có hạn sử dụng riêng, vậy còn nước? Trong nước không chứa protein hoặc đường nên sẽ không bị phân huỷ hoặc phá hại bởi các vi sinh vật như các thực phẩm khác ở nhiệt độ phòng.

Theo thông tin trên Tri Thức Trẻ, nhiều người khi uống nước thường để lại một chút ở cốc, sau đó hôm sau chỉ tráng lại một lần nước rồi trực tiếp dùng. Tuy nhiên nếu lấy nước còn sót lại để qua đêm đó cho xuống dưới kính hiển vi, có thể thấy trong đó có chứa rất nhiều khuẩn E.coli. Trong môi trường thích hợp, vi khuẩn E.coli có thể sinh sản 2 triệu con trong vòng một buổi tối. Mặc dù ảnh hưởng của nó đến cơ thể con người không nghiêm trọng như nhiều người nói, nhưng đối với những người có dạ dày mỏng hoặc trẻ nhỏ thì nên tránh uống nước đun sôi để qua đêm hoặc nước để quá lâu.

Uống nước đun sôi để nguội là đảm bảo an toàn cho sức khỏe, song thói quen sử dụng nước của nhiều người đã vô tình biến nước sôi để nguội thành nước không an toàn.

Khi đun sôi nước ở nhiệt độ 100 độ C, chúng ta tưởng như đó là nước sạch nhưng kì thực lại không hẳn như vậy. Tuy rằng hầu hết các vi khuẩn có thể bị tiêu diệt nhưng đồng nghĩa với quá trình bay hơi là hàm lượng oxi trong nước cũng bốc hơi gần hết, chất hữu cơ bị phân giải và những chất vô cơ lắng xuống rất có hại cho sức khỏe.

Mỗi khi chúng ta đun sôi nước ở nhiệt độ cao thì sẽ sinh ra một lượng muối acid nitrat và một số kim loại kết tủa lại trong nước. Do đó, sử dụng nước đun sôi vẫn chưa thể coi là “nước sạch” thật sự vì nó vẫn chứa những tạp chất độc hại, không tốt cho sức khỏe của con người.

Hiện nay rất nhiều gia đình thường đổ nước đun sôi vào nước cũ để tiết kiệm nhưng việc làm này vô tình đã khiến cho lượng vi khuẩn trong nước phát triển nhanh thành nấm mốc. Va nếu sử dụng nước này trong thời gian dài sẽ là nguyên nhân gây nên các bệnh về đường ruột.

Theo Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định: “Khi đun sôi, vi khuẩn và ký sinh trùng bị tiêu diệt hoàn toàn, một số chất khí độc hại có trong nước như khí amoniac (NH3), hydrosunphua (H2S)… sẽ thoát ra ngoài.

Sau khi để nguội, nước sẽ bị tái nhiễm vi sinh vật từ môi trường và các chất hữu cơ chính là nguồn dinh dưỡng để vi sinh vật phát triển. Sự phát triển của vi sinh vật sẽ sinh ra các chất độc (ngoại độc tố và nội độc tố của vi sinh vật). Khi nước đun sôi càng để lâu, lượng vi sinh vật càng tăng và nước càng bẩn do số lượng vi sinh vật tăng lên và do chất độc của chúng sinh ra.

Cũng theo Tiến sĩ Thịnh, trong nước càng nhiều vi sinh vật, càng nhiều trứng ký sinh trùng bao nhiêu, thì sau khi bị tiêu diệt sẽ tạo thành nguồn thức ăn dồi dào cho những vi sinh vật bị nhiễm từ môi trường bấy nhiêu.

Đặc biệt, môi trường bên ngoài luôn có rất nhiều vi sinh vật, nguy cơ tái nhiễm là rất lớn, nước đun sôi sẽ nhanh bị thiu, thậm chí uống loại nước này còn độc hại hơn lúc chưa đun sôi.

Trong thực tế thì có rất nhiều người dân vẫn có thói quen đun 2-3 ấm nước để nguội, cho vào bình uống dần cả tuần. Về bản chất, nước đun sôi để nguội chỉ cần 2 tiếng có thể tái nhiễm vi khuẩn. Nếu cứ đổ chồng nước cũ vào nước mới với nhau sau khi đun, vô tình sẽ càng nhân số lượng vi khuẩn của nước tăng lên nhanh chóng, dễ sinh ra nấm mốc, gây hại cho cơ thể.

Bởi vậy các chuyên gia khuyên rằng các gia đình nên sử dụng nước đun sôi để nguội trong vòng 24h và đựng trong bình chứa đảm bảo sạch sẽ để tránh vi khuẩn có cơ hội xâm nhập trở lại gây nhiễm khuẩn nước.

Trúc Chi (t/h)