Sức khỏe

Uống nước cam, nước dừa có làm người nhiễm Covid lâu khỏi hơn?

Bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết, với những người bị F0 bệnh khỏi nhanh hay lâu còn phải phụ thuộc vào sức đề kháng của từng người.

F0 như lạc vào “mê hồn trận”

Thời gian gần đây, số ca F0 tại Hà Nội và các địa phương tăng cao, điều này cũng làm cho số F0 điều trị tại nhà tăng. 

Theo thống kê của Bộ Y tế cập nhật sơ bộ tới ngày 27/2, hiện cả nước có hơn 1,05 triệu F0 đang điều trị, theo dõi tại nhà. Riêng Hà Nội có gần 460.000 ca (chiếm gần 46% tổng F0 điều trị tại nhà cả nước).

Các F0 có triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng điều trị tại nhà cũng gặp phải không ít những khó khăn trong việc điều trị do thông tin hỗn độn trên mạng bủa vây.

Nhiều thông tin trên mạng cho rằng F0 không nên uống nước dừa.

Bà H. (F0 điều trị tại nhà được 3 hôm nay) cho biết: “Ở nhà điều trị Covid-19, tôi lên mạng tìm hiểu về các cách để tăng cường sức đề kháng, nhanh khỏi bệnh nhưng mỗi người chỉ một cách, người thì bảo xông tỏi nhanh lấy lại vị giác, người thì cảnh báo không nên uống nước cam, nước dừa vì sẽ khiến bệnh lâu khỏi”.

Cùng chung cảm xúc, chị Đ. (F0 tại Hà Nội) điều trị tại nhà được 2 hôm nay, chị cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh và mất vị giác. “Tôi ăn gì cũng không cảm nhận được mùi vị, lên mạng thấy mọi người bảo tích cực xông thì sẽ nhanh lấy lại được mùi vị, tôi làm theo nhưng bị phỏng rộp rồi. Chưa kể nhiều người còn bảo không được tắm nữa. Nói chung mỗi người bảo một cách”.

Chưa hết, anh Chung (F0 tại Tp.HCM) cho rằng hiện nay thông tin lan truyền trên mạng về cách điều trị Covid-19 mỗi nơi một kiểu, khiến người dân, đặc biệt là người dân bị F0 như bị rơi vào “mê hồn trận”.

“Tôi cũng hay tham gia trong các hội nhóm trên mạng xã hội, mọi người kháo nhau không nên ăn hoa quả có múi, uống nước dừa nên cũng không dám uống dù không biết thực hư thế nào”, anh Chung nói.

Bác sĩ lên tiếng

Trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh)- Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cho biết, đối với chủng Delta thông thường người bị mắc Covid bị mất vị giác và khứu giác kéo dài từ 5-7 ngày.

Nói về biện pháp tìm lại khứu giác, BS. Thiệu cho biết còn tùy thuộc vào người bệnh nặng hay nhẹ. Theo BS. điều trị cho bệnh nhân Covid, thông tin trên mạng là “xông” để tìm lại vị giác, khứu giác một cách nhanh chóng là không thực sự cần thiết.

Người khi mất vị giác và khứu giác, được mách bảo bởi những nguồn tin trên mạng về việc “xông tỏi” sẽ lấy lại được vị giác. Theo BS.Thiệu, việc xông tỏi sẽ không có tác dụng lấy lại vị giác hay khứu giác như những thông tin trên mạng chia sẻ. Trong thời gian điều trị bệnh, các triệu chứng sẽ có dấu hiệu trở lại như ban đầu.

BS. Lê Văn Thiệu đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Bên cạnh đó, trước thông tin không nên ăn cam với uống nước cam, nước dừa vì sẽ dẫn đến tình trạng người mắc Covid lâu khỏi bệnh hơn, BS.Thiệu khẳng định việc ăn cam với uống nước dừa là điều bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình lâu khỏi bệnh hay không.

“Thông tin về việc uống nước cam hay ăn cam, nước dừa làm bệnh Covid lâu khỏi hơn là không có cơ sở khoa học, đơn giản bệnh khỏi nhanh hay lâu còn phải phụ thuộc vào sức đề kháng của từng người. Đối với những người có sức đề kháng tốt, không mắc bệnh nền sẽ nhanh khỏi hơn với những người khác và không đem lại hậu quả gì”, BS. Thiệu cho biết.

Bên cạnh đó, BS.Thiệu cũngđưa ra lời khuyên đối với những người đang F0 điều trị tại nhà, thông thường những người khi mắc Covid sẽ có biểu hiện “stress” lo sợ khi biết mình bị mắc Covid. Vì thế, nhiều người tự tìm cho mình các giải pháp điều trị tại nhà với những nguồn tin không đúng trên mạng xã hội.

“Việc tìm hiểu, gọi điện cho chuyên gia tư vấn cũng là một giải pháp. Với những người bị F0 cần tự cách ly trong phòng đến khi âm tính, uống nhiều nước, vệ sinh mũi họng thường xuyên với nước muối sinh lý. Luôn tự tạo cho mình những trạng thái, tâm lý thoải mái nhất. Nên ngủ nghỉ nhiều và theo dõi các triệu chứng xuất hiện nặng hơn với tình trạng hiện tại”, BS. Thiệu đưa ra khuyến cáo.

Nguyễn Sơn